Khổ vì mùi hôi từ cơ sở chăn nuôi heo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 10 năm nay, 13 hộ dân ở thôn Đức Thành (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) phải “sống chung” với mùi hôi từ cơ sở chăn nuôi heo của các ông Mai Văn Tước và Kiều Văn Quỳ. Mặc dù các hộ nhiều lần làm đơn kiến nghị, ngành chức năng cũng đã vào cuộc xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Khổ sở vì... mùi hôi
Nhà của ông Tô Kim Tuấn nằm ngay giữa 2 cơ sở chăn nuôi heo nên phải thường xuyên chịu đựng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Theo ông Tuấn, các hộ này chăn nuôi heo đã gần 20 năm. Khoảng hơn 10 năm nay, họ tăng đàn nên mức độ hôi thối ngày càng trầm trọng. Gia đình ông phải xây bít hết các cửa sổ nhưng vẫn không thể nào ngăn bớt mùi hôi, nhất là khi gió thổi mạnh. “Ngoài trồng cà phê, gia đình tôi còn bán thêm quán ăn sáng để cải thiện thu nhập, nhưng do không chịu nổi mùi hôi nên khách hàng ít muốn đến. Riêng gia đình tôi nhiều hôm ăn cơm phải đóng tất cả các cửa sổ lại nhưng vẫn không tài nào nuốt nổi. Đáng lo hơn là do ảnh hưởng mùi hôi từ chăn nuôi heo, sức khỏe người thân trong gia đình tôi giảm sút, nhất là các con của tôi thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp. Khi chúng tôi làm đơn kiến nghị, UBND huyện, xã cùng các ngành chức năng huyện về kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi heo cải tạo lại khu vực xử lý chất thải, trong đó có hộ ông Mai Văn Tước đã di dời bớt đàn heo đi nơi khác nhưng mùi hôi vẫn còn nặng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình. Tôi rất mong huyện hỗ trợ bằng cách nào đó để giúp các hộ di dời chuồng heo nhằm trả lại không khí trong lành cho khu dân cư”-ông Tuấn kiến nghị.
  Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện  Ia Grai làm việc với các hộ chăn nuôi và người dân xung quanh để tìm hướng giải quyết vấn đề. Ảnh: H.T
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai làm việc với các hộ chăn nuôi và người dân xung quanh để tìm hướng giải quyết vấn đề. Ảnh: H.T
Tương tự, nhà ở gần 2 cơ sở chăn nuôi heo này nên ngày nào gia đình bà Lê Thị Chín Thi cũng phải “sống chung” với mùi hôi bốc ra nồng nặc. Đặc biệt, mùi hôi khí thải hầm biogas khiến nhiều thành viên trong gia đình bà bị đau đầu. Quán nước của gia đình bà giờ cũng vắng khách. Theo bà Thi, sau khi có đơn kiến nghị của người dân, huyện và xã đã về kiểm tra, hướng dẫn các hộ cải tạo lại khu vực xử lý chất thải trong hệ thống hầm biogas và xử lý mùi hôi bằng thuốc sinh học. Tuy nhiên, việc xử lý bằng thuốc sinh học chỉ giảm chứ không thể giải quyết dứt điểm được mùi hôi. “Ngoài gây ra mùi hôi thì việc chăn nuôi heo còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Vì vậy, chúng tôi mong ngành chức năng vận động các hộ di dời chuồng trại đi nơi khác để đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống”-bà Thi bày tỏ.
Cần giải quyết dứt điểm
Ông Nguyễn Tiến Dũng-quyền Chủ tịch UBND xã Ia Sao-cho biết: Sau khi nhận đơn kiến nghị của các hộ dân, UBND xã đã nhiều lần phối hợp với ngành chức năng của huyện tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi heo nói trên. Tại thời điểm kiểm tra, các hộ chăn nuôi heo đều đã xây dựng hầm biogas nhưng không đúng quy trình nên vẫn phát sinh mùi hôi bốc lên từ hầm chứa nước đã xử lý. Bên cạnh đó, quá trình xịt rửa chuồng heo cũng gây bốc mùi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Vì vậy, xã đã hướng dẫn các hộ dân thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại và đổ bê tông xây kín các bể chứa nước thải khi xử lý đưa vào hệ thống hầm biogas; vận động các hộ dân xây mới hầm biogas để đảm bảo theo đúng quy định nhằm hạn chế mùi hôi. Theo đó, xã hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký phát triển nông hộ để được cấp không 5 triệu đồng xây mới hầm biogas và đưa ra cuối vườn. “Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi sẽ vận động các hộ dân di dời chuồng trại đi nơi khác để đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực khu dân cư”-ông Dũng cho biết thêm.
Trao đổi với P.V, ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai-cho hay: Từ tháng 5-2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức 3 đợt kiểm tra đối với các cơ sở chăn nuôi này, trong đó, hộ ông Tước nuôi khoảng 10 con heo nái, hộ ông Quỳ nuôi 60 con. Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13-5-2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thì với số lượng heo nuôi hiện tại, các hộ dân vẫn được phép nuôi trong khu dân cư nhưng phải làm cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cả 2 hộ đều không có hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường với xã; việc xử lý chất thải rắn và nước thải không phù hợp nên đã làm phát sinh mùi hôi gây ảnh hưởng môi trường. Do đó, Phòng đã hỗ trợ chế phẩm sinh học cho các hộ chăn nuôi bơm vào khu vực xử lý chất thải, yêu cầu các hộ này thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại và thu gom, xử lý chất thải vào hầm rút biogas chứ không được xả thải ra môi trường tự nhiên; đồng thời cấp thuốc diệt côn trùng cho các hộ dân xung quanh để giải quyết mùi hôi. Nhờ vậy, đến nay, mùi hôi phát sinh từ các cơ sở chăn nuôi nói trên đã được cải thiện đáng kể.
Cũng theo ông Tuấn: “Thực tế, luật không cấm việc chăn nuôi heo trong khu dân cư đối với những hộ nuôi dưới 100 con, nhưng để phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, Phòng đang phối hợp với xã và thôn vận động các hộ dân tìm quỹ đất để di dời chuồng trại ra xa khu dân cư. Để làm được điều này, Phòng cũng sẽ hỗ trợ các hộ dân tìm quỹ đất và hướng dẫn các hộ thực hiện theo đúng quy trình”.
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.