Khoai lang trong ký ức một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời nay, khoai lang chỉ là món ăn đệm hoặc làm bánh ăn chơi chứ ít ai nghĩ đến chuyện ăn khoai trừ cơm. Vậy mà cách đây gần 40 năm nó lại là lương thực chính, cứu đói cho người dân xã Ia Blang (huyện Chư Sê, Gia Lai). Thế nên, câu chuyện về khoai lang mãi còn đọng lại trong ký ức một thời…
Tôi dạo một vòng xe qua đường làng trải nhựa phẳng phiu của xã Ia Blang. Hai bên đường là những ngôi nhà xây, nhà mái Thái mọc lên san sát, hàng quán bán mua như ở phố thị. Tình cờ tôi gặp ông Lê Phước Tuấn-tuổi nay đã gần bát tuần ở thôn Vinh Hà. Ngồi trong ngôi nhà 2 tầng với phòng khách đầy đủ tiện nghi, ông chỉ tay vào đĩa khoai lang đang bốc khói mời tôi dùng, vừa ăn vừa nói chuyện.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ông Tuấn kể, năm 1977, ông dẫn gia đình đi kinh tế mới từ tỉnh Thừa Thiên-Huế vào đây để xây dựng quê hương mới theo chủ trương của Nhà nước. Hồi ấy, vùng này là một vạt đồi đầy cây dã quỳ và cây cộng sản. Những căn nhà tranh sắp thành ô bàn cờ trên ngọn đồi. Ban ngày nắng gay gắt, những cơn gió mù trời thốc lên từng đám bụi đỏ như cuốn rạp cây cối. Ban đêm, những ngôi nhà ủ mình dưới mù sương như giăng mùng che kín. Ngoài trợ cấp của Nhà nước, để nhanh có cái ăn, nhà nào cũng tranh thủ trồng khoai lang. Đất tốt nên cắm dây tới đâu là lên sum suê tốt mượt tới đó. Giống khoai này chủ yếu là khoai Lệ Cần, một số ít mang từ ngoài quê vào trồng, tuy chất lượng không ngon bằng nhưng được cái năng suất rất cao. Khoai trồng chỉ khoảng 1 tháng đã có đọt, lá để ăn; qua 3 tháng là củ to nung núc như bắp tay. Lá luộc, lá nấu canh, củ luộc ăn thay cơm, củ nấu canh, củ làm bánh kén, củ bào nhỏ phơi khô để dành hấp đậu phộng… Tất cả sản phẩm từ khoai lang có thể thay cơm suốt cả gần nửa năm trời.
Khoai lang nhiều nên khi thu hoạch xong, các gia đình phần để ăn, phần gánh lên cân cho mậu dịch đổi nhu yếu phẩm như: dầu đèn, xà phòng, muối… Mấy năm sau, khoai lang đã phát triển đều khắp xã với diện tích trên 500 ha với năng suất lên đến 14 tấn/ha. Có năm, mậu dịch đầy kho không mua hết, vậy là người dân phải chuyển về quê để cứu đói.
Ông Tuấn trầm ngâm giây lát rồi tâm sự: “Thời ấy, những bao khoai chở về quê cũng phải xin giấy tờ, mỗi người chỉ được mang theo 10 kg khoai khô. Đến trạm gác, nếu kiểm tra thấy dư số lượng, cán bộ sẽ hất xuống xe và sung… công quỹ. Củ lang ăn không hết, bán không hết, cũng chẳng biết cho ai vì nhà nào cũng đầy ắp nên đành để lại xắt lát, phơi khô dồn bao, chất đầy nhà, quanh hiên như... xây lô cốt. Nhiều nhà đổ ra băm nhỏ, chăn nuôi gà, heo, đến khi heo ăn không hết sinh sâu, mọt rồi lại đổ ra bón gốc khoai vụ tiếp. Những lúc dọn cơm, mở vung nồi ra thấy vài hạt cơm cõng đến mấy lát khoai, lũ con nhỏ bưng chén lên nuốt không nổi ngồi khóc ròng. Nhiều nhà bám trụ không nổi đành bỏ về quê hoặc đi nơi khác làm ăn”.
Vậy là, anh em trong xã bàn nhau sáng sáng từng đoàn người đạp xe chở khoai bằng đôi giỏ sắt thưa ra thị xã Pleiku để bán, mong được đồng nào hay đồng ấy. Vượt quãng đường quanh co gần 45 km, lên đèo xuống dốc, đất đỏ mù trời, vào đến thị xã cũng đã gần trưa. Bụng đói sôi lên ùng ục khi hít mùi phở trong quán tỏa ra. Bán xong 2 giỏ khoai lang cũng chỉ mua được ít xà bông, mắm khô và còn dư mua về cho vợ con vài tô phở, ổ bánh mì để đổi món. Hớn hở đạp xe về đến nhà đã gần chạng vạng tối, vợ con ra mừng tíu tít. Nhưng nhìn lại trong giỏ thì mấy bì phở đã… không cánh mà bay. Thì ra, “thủ phạm” chính là những mối dây thép ở đáy giỏ chĩa lên đâm thủng mấy bì phở, khiến chúng lọt qua kẽ giỏ rơi mất. Cả vợ chồng con cái đành nhìn nhau… cười buồn. 
Năm 1986, thời kỳ bao cấp bị xóa bỏ, hàng hóa lưu thông, giá khoai lang ổn định. Cũng từ những rẫy khoai lang mà nhiều gia đình đã ăn nên làm ra, có tiền xây dựng nhà cửa, mua phương tiện, xe cộ, máy móc sản xuất. Có nguồn tích lũy, người dân xã Ia Blang từ từ chuyển đổi cây trồng sang đầu tư cà phê, hồ tiêu, cao su… Nhờ vậy, cuộc sống đã bước sang trang mới, ngày càng đi lên.
“Dù khổ mấy, khó khăn mấy nhưng nếu yêu đất, mến quê thì sẽ trụ lại được. Nay con cháu tôi đều ở quanh đây sinh trưởng thành xóm, thành thôn. Lâu lắm rồi chưa được ăn khoai lang, hôm nay gặp được rổ củ ngon mua về luộc ăn để nhớ lại một thời gian khó”-ông Tuấn cười tươi và ngẫu hứng đọc thêm mấy câu thơ vừa ứng tác: “Ia Blang đất mới thương người/Ấp iu gian khổ một thời long đong/Khoai lang xanh lá đỏ lòng/Dù đi xa mấy cũng mong trở về...”.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm