Đinh Hôk: Đại thụ làng Châu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trao đổi về chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Chư Krêy, Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Thị Nguyện bày tỏ niềm vui khi kể về việc vận động dân làng Châu chung tay xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu. Và trong cuộc trò chuyện, bà Nguyện khá nhiều lần nhắc tên già làng Đinh Hôk.



Bà Nguyện cho biết, làng Châu hiện nay được sáp nhập từ làng Châu và làng Tờ Dinh vào đầu năm 2019. Làng hiện có 170 hộ với 804 khẩu, trong đó có 165 hộ dân tộc thiểu số với 793 khẩu. Việc sáp nhập thành công 2 làng là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, trong đó có dấu ấn của già làng Đinh Hôk.

“Già Đinh Hôk là cây đại thụ của làng Châu đấy”-bà Nguyện khẳng định chắc nịch. Ông Đinh Hôk giữ các chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, già làng của làng Tờ Dinh dễ chừng đến 15 năm cho đến khi sáp nhập làng. Trong vai trò già làng của làng Châu (mới), tiếng nói của ông với dân làng vẫn đặc biệt có sức nặng, bởi ông làm được nhiều việc cho làng.

Già làng Đinh Hôk. Ảnh: Đ.P
Già làng Đinh Hôk. Ảnh: Đ.P



Ngồi sau chiếc xe máy của anh cán bộ trẻ xã Chư Krêy vượt cung đường chừng 5 km từ trung tâm xã, tôi về đến trung tâm làng Châu. Làng được vây bọc bởi những ngôi nhà sàn ván ghép mái lợp tôn. Tiếp tục cuộc hành trình trên con đường mòn chừng 1 km hai bên là ruộng mía, rẫy mì, vườn cây ăn quả trồng chưa lâu, chúng tôi đến nhà già làng Đinh Hôk (làng Tờ Dinh cũ). Đứng trước vuông sân rộng rợp tán cây ăn quả đang đổ bóng xuống chiếc máy tuốt, máy cày xới, xe công nông, anh cán bộ dẫn đường lên tiếng gọi chào. Già Đinh Hôk trong bộ quân phục cũ chầm chậm bước ra sân đón chúng tôi.

Vừa mời khách ly trà, già Đinh Hôk vừa giới thiệu: “Vợ chồng tôi có 5 người con, sống cùng trong ngôi nhà này còn có gia đình 3 đứa con gái. Gia đình truyền thống người Bahnar nhiều thế hệ chung sống mới hạnh phúc”. Ông sinh năm 1952 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là đảng viên Đảng Cộng sản từ ngày chống Pháp. Sau Hiệp định Genève năm 1954, cha ông ở lại bám trụ, trở thành cơ sở hoạt động bí mật. Giác ngộ cách mạng từ cái nôi của gia đình, làng xã, năm 1970, chàng thanh niên Đinh Hôk tham gia du kích. Năm 1973, ông nhập ngũ đi giải phóng quê nhà, rồi giúp nước bạn Campuchia trừ nạn diệt chủng. Năm 1979, Tiểu đội trưởng Đinh Hôk ra quân vì lý do sức khỏe.

Trở về địa phương, thương binh Đinh Hôk tham gia ngay vào công tác chính quyền, đoàn thể và trải qua nhiều chức danh: Phó Trưởng Công an xã An Trung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chư Krêy; rồi Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, già làng làng Tờ Dinh. Nhìn vào những tấm bằng khen, giấy khen treo kín mảng vách nhà sàn đủ biết ở cương vị công tác nào Đinh Hôk cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông kể: Việc vận động bà con làng Tờ Dinh sáp nhập làng để có được làng Châu chung như bây giờ cũng khó đấy. Trước tiên là giải thích cho dân làng hiểu chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm thuận tiện hơn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của làng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với đội ngũ cán bộ thôn, làng cũng phải làm công tác tư tưởng, phải bố trí trưởng thôn ở làng này, bí thư chi bộ ở làng kia (làng cũ) để gần dân, gần việc. Họp dân phổ biến, tuyên truyền, lấy ý kiến trên mọi lĩnh vực đời sống thì vẫn tổ chức 2 lượt, ở 2 cụm làng. Nghe thấu lý, hợp tình nên dân làng đồng tình thôi.

Nói rồi già đưa tôi tham quan làng. Dạo bước trên đường bê tông, già làng Đinh Hôk phấn khởi: “Dân làng mình có truyền thống tin Đảng, theo Đảng. Chủ trương đưa ra, gia đình mình gương mẫu thực hiện, cứ vậy mọi người làm theo. Cả những hoạt động khác như kế hoạch hóa gia đình, thực hiện nghĩa vụ quân sự, ma chay, hiếu hỷ không linh đình, kéo dài cho đến nạn tảo hôn… mình luôn nhắc nhở, động viên đến từng gia đình, từng lớp con cháu. Làng còn có chế tài: tảo hôn xử phạt 6 triệu đồng/cặp vợ chồng; 20 triệu đồng với người dắt mối; không được tổ chức cưới dù là theo phong tục. Đời sống mới, văn minh phải như vậy chứ!”.

Già Đinh Hôk còn phấn khởi khoe, nhờ sự hỗ trợ của xã từ vay vốn đến hướng dẫn kỹ thuật cộng với nỗ lực tự thân, làng Châu có nhiều gia đình giỏi làm ăn lắm. Thu hoạch từ chăn nuôi bò, trồng mía, mì, bắp, cây ăn quả mỗi năm lãi ròng 40-50 triệu đồng. Dân no đủ nhờ chủ trương đúng thì dân tin, dân theo thôi.

Trong lòng tôi có làng Châu xa xôi dù một thoáng, có già làng Đinh Hôk mẫu mực dù chỉ gặp một lần mà nhớ, mà yêu kính!

 RƠ Ô TRÚC

Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:

 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy

 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

 

Có thể bạn quan tâm