Pleiku xưa: Nơi ký ức tìm về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với hơn 3.000 tấm ảnh thể hiện cuộc sống của con người, quang cảnh Pleiku từ những năm 1945, trang mạng xã hội Pleiku xưa do ông Quỳnh Hội (439 Ngô Quyền, xã Trà Đa, TP. Pleiku) lập ra đã trở thành một nơi để biết bao người con của Pleiku được dịp tìm về ký ức vui buồn của những ngày xưa cũ.

Học sinh Trường Trung học Plei Me (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở đường Tô Vĩnh Diện (TP. Pleiku). Ảnh tư liệu.
Học sinh Trường Trung học Plei Me (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở đường Tô Vĩnh Diện (TP. Pleiku). Ảnh tư liệu.

Vốn là người hoài niệm, anh Nguyễn Sơn-một người dẫn chuyện duyên dáng trong các chương trình ca nhạc có tiếng ở Pleiku bày tỏ: “Cái ích kỷ của con người ta thể hiện rõ nét khi chợt xem lại một đoạn văn, một hình ảnh của thời đã qua, nghe lại một câu hát hay đi qua những cung đường, góc phố, hàng cây… đã gắn liền với kỷ niệm. Bây giờ, cũng nơi ấy mà chẳng còn chút gì thậm chí là tàn tích sẽ làm ta thấy hụt hẫng, có cảm giác như cái gì đó của chính mình bị mất mát rồi đâm ra thấy ghét những thay đổi đang hiển hiện trước mắt mình. Tôi biết đó là điều vô lý bởi được cái này thì ắt phải mất cái kia và thật may khi Pleiku của những ngày cũ không mất hẳn bởi Pleiku xưa đang giữ hộ cho mình và mỗi lần ghé thăm, nhìn ngắm những bức ảnh lại dạt dào cảm xúc”.

Pleiku xưa không chỉ làm ai đó reo lên hạnh phúc khi nhìn thấy cảnh vật xưa, thậm chí là ngôi nhà ngày xưa cả gia đình sum vầy ấm áp mà rất nhiều bức ảnh còn lấy được nước mắt của người xem. Có người đã thốt lên rằng “Tôi đã khóc khi nhận ra một căn nhà trong bức ảnh này…”, bởi có lẽ với họ, nơi ấy đã từng chôn giấu một nỗi đau. Nói như anh Nguyễn Sơn thì đã là ký ức, vui buồn gì cũng đáng quý và đáng trân trọng, thậm chí những ký ức buồn của một thời đã qua sẽ làm người ta thấy day dứt khôn nguôi. “Khi theo dõi những bức ảnh mà Pleiku xưa đăng tải, tôi đã lặng người đi khi nhận ra tấm hình ngày còn thơ ấu của một cô bạn thân hát rất hay đã mất cách đây mấy năm. Hình ảnh của cô ấy khiến cho bao kỷ niệm trong tôi ùa về, dẫu biết sự “ra đi” là tất yếu nhưng sao khỏi ngậm ngùi”-anh Sơn tâm sự.

Còn với những người Pleiku xa xứ thì Pleiku xưa như là một cứu cánh của tâm hồn. Mỗi bức ảnh về Pleiku của ngày xưa đều khiến họ dạt dào cảm xúc. Họ khẩn khoản hỏi mọi người bây giờ nơi ấy đã thay đổi ra sao, có còn mang tên con đường ấy, ngôi trường ấy, Pleiku hôm nay thế nào… Rồi cũng nhờ Pleiku xưa mà những người bạn đã mất liên lạc từ lâu tìm thấy nhau trong niềm vui lớn, họ nhắc nhau những kỷ niệm và gửi nhau những lời hẹn gặp gỡ vào một ngày nào đó ở một góc phố Pleiku. Chị Phạm Thị Thu Đào (hiện đang sống ở Mỹ) là một trong những người thường xuyên theo dõi những đăng tải của Pleiku xưa bởi với chị những bức ảnh về Pleiku của ngày cũ là món quà quý giá mà tình quê dành tặng cho chị nên chị luôn luôn sẵn lòng đón nhận. Quả là không có gì ấm áp hơn khi được những kỷ niệm sưởi ấm, vỗ về tâm hồn trong cái lạnh giá của xứ người xa xôi.

Trò chuyện với ông Quỳnh Hội, người lập ra trang Pleiku xưa mới thấy hết những trân trọng mà mọi người dành cho diễn đàn này. Với mục đích là lưu giữ hình ảnh về cuộc sống, con người, quang cảnh Pleiku xưa từ kho ảnh ít ỏi của gia đình, đến nay ông đã có hàng ngàn bức ảnh quý về Pleiku xưa do bạn bè trong diễn đàn gửi về đóng góp. “Tôi trân trọng tất cả những đóng góp của bạn bè, thân hữu gần xa. Tôi đánh giá cao tấm lòng của họ dành cho Pleiku và trong số ấy có rất nhiều người không ngại chia sẻ những hình ảnh vô cùng quý giá. Mỗi lần đăng tải một bức ảnh, tôi đều cẩn thận ghi rõ nguồn và tên người cung cấp ảnh để bạn bè họ có thể nhận ra nhau thông qua kỷ niệm của một thời đã qua. Cũng nhờ Pleiku xưa mà tôi nhận ra có nhiều người còn tâm huyết với Pleiku xưa hơn cả tôi như anh Nguyễn Quang Hiền hiện sống ở Sài Gòn và từ đó tôi có những người bạn tâm giao, tôi tìm thấy những tâm hồn đồng điệu”-ông Quỳnh Hội chia sẻ.

Ông chăm chút cho Pleiku xưa hàng ngày và ông thường đăng hình ảnh theo chủ đề để mọi người tiện theo dõi, đóng góp như ngày Nhà giáo Việt Nam thì ông dành tặng cho ký ức những hoài niệm về ngôi trường xưa mang tên Tuyên Đức, Bồ Đề…với sân trường, lớp học và thầy cô cũ. Ngày Quốc tế Phụ nữ thì Pleiku xưa tràn ngập hình ảnh thiếu nữ Pleiku xưa hay những bà mẹ tảo tần mưu sinh nơi góc phố… Không chỉ thu hút sự ái mộ của thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời Pleiku xưa mà lớp trẻ của Pleiku nay cũng tỏ ra rất quan tâm đến diễn đàn này bởi ký ức là một món quà được dành tặng cho tất cả những ai muốn tìm về…

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm