Ký ức Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây nhiều chục năm, Phố núi Pleiku từng phát triển một loại dịch vụ khá ăn khách: tắm nước nóng và giặt ủi. Sở dĩ dịch vụ này phát triển mạnh trong một khoảng thời gian dài là bởi Pleiku nhiều năm trước “quanh năm mùa đông”, lúc nào người ta cũng có nhu cầu tắm nước nóng.

“Tắm” trong ký ức

Ông Nguyễn Đăng Tín-chủ một trong những cửa hiệu tắm nước nóng đầu tiên ở Pleiku lý giải: “30-40 năm trước Pleiku đúng như những câu thơ của nhà thơ Hữu Định đã viết riêng cho nơi này “Phố núi cao phố núi đầy sương/Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn”. Hồi ấy, cổ thụ còn rất nhiều, nhất là thông. Cứ khoảng 4 giờ chiều trở đi sương giăng đầy phố, trời lúc nào cũng lành lạnh. Nhiều khách lạ không quen thời tiết ở đây thường kéo áo co ro, xuýt xoa trên đường. Trời lạnh quanh năm nên lúc nào người ta cũng có nhu cầu tắm nước nóng. Vì thế mà dịch vụ này khá ăn khách”.

 

Phố núi Pleiku “quanh năm mùa đông” khiến dịch vụ tắm nước nóng trở thành dịch vụ đắt khách nhiều chục năm trước. Ảnh: internet
Phố núi Pleiku “quanh năm mùa đông” khiến dịch vụ tắm nước nóng trở thành dịch vụ đắt khách nhiều chục năm trước. Ảnh: internet

Nói cửa hiệu của ông Tín là một trong những cửa hiệu đầu tiên cũng chưa thật chính xác. Nhưng ông Tín chính là người “phát minh” những cái đầu tiên mà các cửa hiệu khác không có. Ông Tín cho hay, hồi ấy các tiệm tắm nước nóng chủ yếu dùng củi nấu nước trong những chiếc thùng nhôm cỡ lớn, có hệ thống dẫn nước nóng đến các phòng. Riêng ông có cách làm khác, vừa nhanh, vừa tiết kiệm nhiên liệu. Ông kể: “Những năm sau giải phóng, trong những thứ Mỹ để lại có loại “ruột gà”-đó là những vòng xoắn khổng lồ giống như lò xo, rỗng ruột, có thể dẫn nước. Loại này có nhiều ở tiệm lạc xoong, giá khá rẻ. Tôi mua những bộ ruột gà về cải tạo thành hệ thống làm nóng nước. Nếu nấu 1.500 lít nước theo kiểu truyền thống, có khi mất cả tiếng đồng hồ, sẽ không kịp cho khách tắm. Riêng bộ ruột gà này chỉ cần đốt củi lên là nước nóng ngay lập tức, nó làm lợi đến 50% chất đốt. Tuy nhiên, để làm nóng nước theo kiểu này phải có kỹ thuật. Nếu nhiệt độ cao quá sẽ làm áp suất bão hòa, nước nóng không chảy tới các phòng được. Phải luôn có người theo dõi, điều chỉnh nhiệt lượng đạt khoảng 80-90% là vừa”.

Ông Tín cho rằng, tiệm tắm nước nóng đầu tiên ở Phố núi Pleiku là tiệm 3 Sao nằm trên đường Trần Phú ngày nay, có từ trước giải phóng. Sau đó  có thêm tiệm của một bà tên Sâm nằm ngay sân vận động. Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, ông mới mở dịch vụ này.

Với 5-6 phòng tắm được xây cất đơn sơ nhưng tiệm của ông lúc nào cũng nườm nượp khách. Theo ông đó là một nghề “sống được”, thậm chí dư giả trong thời buổi cả đất nước còn khó khăn. “Khách đến tắm rất đông, có khi phải xếp hàng dài ngồi chờ mới tới lượt. Mỗi lần tắm chỉ vài trăm đồng, nhưng ngày nào khách cũng đông từ đầu giờ chiều đến 10 giờ đêm nên thu nhập rất khá. Những người đến tắm thường có nhu cầu giặt ủi nên có thêm khoản thu nhập. Tuy nhiên, vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, chỉ những người có tiền mới thường xuyên tắm nước nóng. Riêng công chức nhà nước thì hiếm hoi lắm mới lấy được tiền của họ”-ông Tín nhớ lại.

Sinh ra lớn lên trong con hẻm nhỏ trên đường Quang Trung, chị Trương Ngân Hà cho rằng, với những người thuộc thế hệ 8X như chị, những lần được tắm nước nóng đã trở thành một phần ký ức. “Chiều 30 Tết, lũ con nít trong xóm mới được người lớn “đặc cách” cho đi tắm nước nóng. Chúng tôi mỗi đứa mang theo một bộ quần áo và cục xà phòng háo hức đến phòng tắm ở số 30 Phan Bội Châu. Đến tận bây giờ, nghĩ lại những lần được tắm nước nóng ngoài tiệm, tôi vẫn nguyên niềm vui thơ trẻ thuở nào. Bây giờ nhà nào cũng có bình nóng lạnh, trẻ con không biết đến cảm giác sung sướng hạnh phúc ấy nữa”-chị Hà nói.

“Cửa hiệu giặt là”(*)

Cửa hiệu tắm nước nóng, giặt là ở số 30 Phan Bội Châu vẫn còn hoạt động tới ngày nay, nhưng đã đổi chủ mới. Mọi thứ hầu như vẫn giữ nguyên vẹn, từ biển hiệu giản dị hết mức với dòng chữ nhỏ khiêm tốn “Tắm nước nóng, giặt ủi”. Duy chỉ có bình nóng lạnh đã thay thế cho hệ thống làm nóng bằng chất đốt. Là chủ mới nhưng chị Phương cũng có mấy chục năm gắn bó với cửa hiệu nhỏ này. Chị cho biết: “Sau này nhà nào cũng có điều kiện để dùng bình nóng lạnh nên chẳng mấy người tới đây để tắm nước nóng, chỉ có khách ở xa không muốn phiền hà nhà bà con mới đến tắm giặt chớp nhoáng rồi đi”. Tuy vậy, cửa hiệu nhỏ ấy vẫn có lý do để tồn tại suốt hơn ba mươi năm qua.

Dịch vụ giặt ủi vốn chỉ “ăn theo” tắm nước nóng nhưng sau đó lại trở thành dịch vụ chính. Người ta chỉ còn nhớ đến số 30 Phan Bội Châu như là một cửa hiệu giặt là. Năm 1984, chị Phượng về làm dâu và được nhà chồng giao cho cửa hiệu này. Có những khách hàng quen từ ngày ấy đến giờ. Việc giặt là bây giờ đã có máy móc hỗ trợ, từ khâu giặt sạch, sấy khô, không như những năm 80-90 về trước. “Hồi ấy chưa biết máy giặt máy sấy là gì, chúng tôi phải giặt tay toàn bộ. Khổ nhất là mùa mưa ở Gia Lai, giặt xong chỉ đợi đồ ráo nước là phải ủi liên tục để kịp giao cho khách. Hồi đó còn dùng cái bàn ủi con gà, chúng tôi vừa ủi vừa phải thay than liên tục. Năm 1996, cửa hiệu mua được cái máy giặt đầu tiên, dòng nội địa, rất nhỏ, mỗi lần giặt được vài ba bộ. Nhưng đó là bước tiến đáng kể để giải phóng sức lao động”.

Những năm gần đây, dịch vụ giặt ủi nở rộ khắp nơi, nhưng cửa hiệu nhỏ của chị vẫn giữ một lượng khách ổn định. Chị chia sẻ: “Có lẽ tôi là người cẩn thận nên nhiều người không nỡ bỏ đi. Với những khách hàng lâu năm, tôi thường tự tay giặt ủi, đóng gói đồ cho họ chứ không để nhân viên làm. Năm ngoái, tôi bận làm nhà, không thường xuyên có mặt ở cửa hiệu nên để cho nhân viên giặt ủi quần áo cho một khách quen đã trên 10 năm, người đó nhìn gói đồ là biết ngay không phải tôi làm, phật ý nhưng không nói ra. Từ đó, dù bận rộn tôi cũng luôn tự tay “làm đồ” cho khách chứ không để nhân viên đụng vào”. Quần áo mang tới giặt là cũng khá đa dạng, ngoài những trang phục bằng sợi tổng hợp, cotton, có thêm nhiều loại bằng chất liệu cao cấp như nhung, dạ, da, lụa tơ tằm… vì thế việc giặt ủi cũng phức tạp hơn.

Hoàng Ngọc

-----------------
(*) Tên một cuốn sách của nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Có thể bạn quan tâm