"Mẹ hiền" của 59 đứa con mồ côi, khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 10 năm gắn bó với những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, không lương thưởng, không phụ cấp; hàng ngày, người “mẹ hiền” ấy vẫn như con ong cần mẫn, thầm lặng hy sinh, chăm lo từng bữa ăn đến giấc ngủ cho các “con” của mình. Đó là bà Trần Thị Sáng (SN 1957), hiện đang nuôi dưỡng và chăm sóc 59 trẻ em mồ côi, khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Nhao 2, xã Ia Kênh, TP. Pleiku.

  Bà Sáng chỉ các cháu học tập. Ảnh:  Phan Lài
Bà Sáng chỉ các cháu học tập. Ảnh: Phan Lài

“Vào một buổi chiều muộn năm 2005, trong một lần đi ngang qua làng Brong Thoăng (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa), tình cờ thấy em Blaih-một trẻ khuyết tật đang nhặt ve chai cùng bạn bè tại bãi rác của làng. Hỏi thăm gia đình của Blaih, tôi biết được hoàn cảnh đáng thương của em, cuộc sống quá nghèo khó khi gia đình có đến 8 anh chị em. Em rất mong muốn đến trường cùng các bạn nhưng đó là điều không thể. Tôi đã hỏi ý kiến gia đình và đưa em về nhà chăm sóc, nuôi dạy. Đây cũng là trường hợp đầu tiên tôi nhận nuôi”-bà Trần Thị Sáng chia sẻ về cơ duyên của mình với những đứa trẻ khuyết tật, mồ côi.

Với sự nhiệt tình, tận tụy và lòng thương yêu trẻ, bà đã đề nghị với chính quyền cho mở mái ấm tình thương để nuôi dạy, chăm sóc các trẻ em bất hạnh. Cứ thế, nghe ở đâu có bé nào bị bỏ rơi, trẻ nào mồ côi không ai chăm sóc, trẻ khuyết tật bị mọi người xa lánh, không kể nắng mưa, đường sá xa xôi, bà đều đến tận nơi dang rộng cánh tay đón các con về nhà nuôi dưỡng. Nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, tin tưởng đã đem con đến gửi gắm cho bà. Hiện nay, ngôi nhà nhỏ của bà Sáng đang chăm sóc và nuôi dưỡng 59 trẻ, từ 1 tuổi đến 17 tuổi; điều đáng nói là có đến 57 trẻ là người dân tộc Jrai, Bahnar, Xơ Đăng, Deh, Ê Đê, Rơ Ngao đến từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đak Lak.

Những ngày đầu mới tiếp nhận các cháu, nhiều khó khăn, vất vả đè nặng lên đôi vai gầy của bà Sáng. Phải làm sao để có kinh phí cho tất cả các trẻ đều được đến trường, rồi phải mua sắm đồ chơi cho trẻ, kinh phí hoạt động lại càng thiếu. Ngay cả trong giấc ngủ, hình ảnh các cháu bị khuyết tật, thiếu ăn thiếu ngủ cứ chập chờn khiến bà trăn trở, thúc giục bản thân phải cố gắng hơn nữa. Vì thế bà đã vận động người thân, bạn bè hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm vật dụng sinh hoạt cho các cháu. Không chỉ là chuyện cưu mang các trẻ, hàng ngày, bà Sáng còn tự tay chăm lo cho các con của mình từng bữa ăn, giấc ngủ, nhiều trẻ không tự vệ sinh cá nhân, bà cũng nhẹ nhàng giúp đỡ.  Bên cạnh đó, việc dạy dỗ trẻ nhỏ đã khó, dạy các trẻ dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật ôn bài và các kỹ năng sống lại càng khó khăn gấp bội. Nhiều em dặn trước, quên sau, nhiều em phải học đến lớp 4 mới đọc thông, viết thạo. Thế nhưng, bằng sự gần gũi và ân cần của mình, bà Sáng đã chăm lo kèm cặp từng con số, từng nét chữ để giúp các con dần dần tiếp nhận được những kiến thức văn hóa. Buổi tối, các con được bà giúp ôn lại bài hoặc dạy các bài hát thiếu nhi; từ đó, các em đã vượt lên mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng, nhiều em đã nỗ lực học tập, đạt thành tích cao.

Chỉ cho chúng tôi xem những tấm giấy khen mà các con nhận được trong học tập, bà Sáng tâm sự: Lúc đầu mới bắt đầu nhận nuôi các cháu, cũng có người hết lòng ủng hộ việc làm của tôi, nhiều người lúc cho con cá, ký gạo, mớ rau để góp phần cải thiện bữa ăn cho trẻ. Nhưng cũng có những cái nhìn thương cảm, dò xét, dị nghị thân già chưa lo, lại đi lo chuyện bao đồng thiên hạ, tìm được cứ gửi chúng vào trại trẻ mồ côi của Nhà nước, lòng tôi đã luôn tâm niệm, mình làm việc tốt, không có gì phải xấu hổ cả. Nhìn những gương mặt hạnh phúc của các con khi tự mình giải được một bài toán khó, đọc thành thạo một bài thơ, giành được các giấy khen ở trường, tôi thấy được ý chí vượt khó vươn lên của các con.

Chị Nguyễn Thị Phương Lan-người thường xuyên đến giúp đỡ bà Sáng chăm sóc các trẻ tâm sự: “Ở đây, có nhiều cháu 9 tuổi mà vẫn chưa biết chữ, nhiều cháu ương bướng, lầm lì ít nói; có nhiều cháu mặc cảm, tự ti về bản thân. Thấy việc làm ý nghĩa của cô Sáng, với mong muốn bù đắp những mất mát mà cháu phải gánh chịu, chúng tôi cũng muốn góp một chút công sức để giúp các cháu hòa nhập với cuộc sống. Cứ cố gắng gần gũi, chia sẻ với các cháu, khi đã quen rồi, các cháu cũng tự nhiên lắm, mỗi lần nghe các cháu gọi tôi bằng cô, bằng mẹ, tôi thấy rất hạnh phúc”.

Chia tay với bà Sáng và những đứa trẻ bất hạnh, những tiếng bi bô đọc chữ, tiếng hát cất lên lúc rõ lúc không của các em nhỏ nơi ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười này như níu kéo bước chân chúng tôi ở lại. Giờ đây, ở cái tuổi 58, điều bà Sáng mong ước nhất là có đủ sức khỏe để tiếp tục công việc mà mình đã chọn, chăm lo cho các con được đủ đầy. Mong rằng, sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm, sự giúp đỡ để cùng chung tay với bà Sáng chắp cánh những ước mơ của các trẻ trở thành hiện thực.

 Phan Lài

Có thể bạn quan tâm