Giáo viên khổ vì xếp hạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các thông tư mới quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp hạng viên chức có quá nhiều bất hợp lý, không sát thực tiễn
Ngày 20-3, các thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy (tức giáo viên) trong các cơ sở giáo dục, trường công lập ở 4 cấp bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều quy định trong các thông tư này đang bị phản ứng gay gắt khiến Thủ tướng Chính phủ phải có văn bản yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT đề xuất các phương án sửa đổi, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập.
Phải... chạy để "giữ hạng", "lên hạng"
Các thông tư trên được Bộ GD-ĐT ký ban hành ngày 2-2-2021, quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới có thể tăng lương, giữ hạng hay nâng ngạch.
Rất nhiều giáo viên cho rằng đây là quy định bất hợp lý, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc, không giúp ích được cho công tác chuyên môn. Trên thực tế, đây là quy định thừa, không cần thiết bởi trước khi làm viên chức giảng dạy, giáo viên đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. "Vừa rồi, tôi được mời đăng ký các lớp bồi dưỡng chứng chỉ do một trường sư phạm tổ chức. Một khóa học online 5 buổi được giới thiệu với giá 2,5 triệu đồng, nội dung học gồm 10 chuyên đề đa phần trùng với các nội dung giáo viên đã được tập huấn thời gian qua. Đó là cái giá để chúng tôi có một chứng chỉ để hoàn tất hồ sơ "giữ hạng" - một giáo viên ở Hà Nội phản ánh.

Các thông tư mới quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp hạng viên chức gây khó khăn cho giáo viên
Các thông tư mới quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp hạng viên chức gây khó khăn cho giáo viên
Một bất hợp lý khác là theo Thông tư 03 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THCS công lập thì ở bậc giảng dạy này, giáo viên hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THCS; hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy, hay có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên. Trường hợp giáo viên hạng I do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng I thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II. Sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I thì được bổ nhiệm vào hạng I mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Chiếu theo quy định này, giáo viên THCS hạng I hiện nay nếu chưa có bằng thạc sĩ sẽ được bổ nhiệm vào hạng II, tức là họ đã rớt hạng. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, quy định như vậy là quá xem trọng về bằng cấp, làm khó cho giáo viên. Thậm chí, với quy định này, các trường ĐH sẽ mở rộng tuyển sinh đào tạo thạc sĩ vì sẽ có rất nhiều giáo viên buộc phải "chạy" theo quy định nếu muốn "lên hạng".
Đạo đức cũng phải khác nhau
Ngoài những quy định trên, một nội dung bị phản ứng trong chùm thông tư này là quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên. Theo đó, ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp khác nhau, hạng cao hơn thì tiêu chí nhiều hơn. Ví dụ, với giáo viên THCS hạng II thì ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên hạng III, còn có thêm tiêu chuẩn: "Phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo". Còn giáo viên THCS hạng I, ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên hạng II, còn có tiêu chuẩn: "Phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo".
Nhiều giáo viên cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp. Đã là nhà giáo thì cần có chung tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. "Có ai dám chắc giáo viên hạng I thì họ có đạo đức tốt hơn giáo viên hạng II, còn giáo viên hạng II sẽ cao hơn giáo viên hạng III. Các yêu cầu về trình độ chuyên môn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hay thành tích của giáo viên từng hạng có thể khác nhau, nhưng đạo đức thì không nên phân hạng như thế" - cô Nguyễn Hương Liên, giáo viên một trường THCS ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, nêu ý kiến. 
Đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ nói gì?
Trước những phản ứng của giáo viên, đăng đàn trả lời báo chí, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT, cho rằng khi ban hành chính sách mới và cả trong quá trình thực hiện đều lắng nghe ý kiến từ dư luận để có những nghiên cứu, xem xét.
Riêng quy định về tiêu chuẩn đạo đức theo từng hạng giáo viên, ông Bình cho rằng nhà giáo cũng là một viên chức nên phải có sự kết hợp cả tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp. "Ý kiến liên quan đến việc mỗi hạng đều có tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo, chúng tôi làm rõ ràng, chùm thông tư phải tuân thủ yêu cầu theo quy định của luật, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Mỗi hạng chức danh nghề nghiệp, ngoài tên hạng phải có 4 tiêu chuẩn: tiêu chuẩn nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức, tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ và chuyên môn nghề nghiệp. Chúng tôi chỉ có một tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo thống nhất cho giáo viên ở các hạng. Nhưng ở hạng cao hơn, chúng tôi có một yêu cầu về mức độ thực hiện khác nhau" - ông Bình lý giải.
Với quy định về giáo viên THCS hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên như quy định tại Thông tư số 03 của Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đánh giá quy định này là thiếu hợp lý do thiếu quy định chuyển tiếp. Chẳng hạn, do thiếu quy định chuyển tiếp, một chuyên viên cao cấp, chẳng may thiếu chứng chỉ chuyên viên chính thì bắt họ học lại chuyên viên chính thì không thực tiễn. Theo ông Thăng, các văn bản hiện nay thiếu rất nhiều quy định chuyển tiếp.
Bài và ảnh: Yến Anh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.