Sau cai ECMO, phổi của phi công người Anh đã hồi phục 50%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một ngày sau khi cai ECMO, phổi của phi công người Anh đã hồi phục 50%, tuy nhiên bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, nguy cơ và diễn biến khó lường.
 


Chiều 4-6, Tiểu ban điều trị bệnh nhân Covid 19 và Hội đồng chuyên môn dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã tiến hành hội chẩn trực tuyến 3 miền về trường hợp của bệnh nhân 91 là phi công người Anh mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Đáng chú ý, đến nay phổi của bệnh nhân nặng nhất này đã hồi phục 50%.

 

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 2 từ trái qua) chủ trì cuộc hội chẩn về bệnh nhân chiều 4-6 - Ảnh: Thái Bình
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 2 từ trái qua) chủ trì cuộc hội chẩn về bệnh nhân chiều 4-6 - Ảnh: Thái Bình



Báo cáo tại buổi hội chẩn, đại diện BV Chợ Rẫy cho biết ngoài những diễn biến tích cực trước đó như đã mỉm cười, thực hiện được các y lệnh của bác sĩ, hiện tại bệnh nhân 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 2/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO sáng ngày 3-6.

Đến ngày 4-6, sau 24 giờ ngừng sử dụng ECMO, bệnh nhân 91 vẫn ổn định. Hai phổi đã hồi phục 50%. Nguyên nhân thể tích phổi hồi phục là do bệnh nhân đã nhận biết được, tăng thông khí và hợp tác tập thở theo hướng dẫn của nhân viên y tế bệnh viện.


 

Phi công người Anh mắc Covid-19 đang hồi phục ngày một tốt hơn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Phi công người Anh mắc Covid-19 đang hồi phục ngày một tốt hơn - Ảnh: Bệnh viện cung cấp



Trong những ngày tới, nam phi công sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng, cùng đó bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp.

Về phương án ngoại khoa, theo PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực thuộc BV Việt Đức, với sự phục hồi về chức năng thận, tri giác, nhiễm trùng ngoài phổi đã hết, tình trạng teo cơ, cứng khớp dần hồi phục, bệnh nhân 91 đã tiến gần hơn với chỉ định ghép tạng. Nếu điều trị nội khoa tích cực mà phổi không cải thiện nhiều, bệnh nhân vẫn phải thở máy thì phải tính đến phương án ghép.

Tại buổi hội chẩn, lãnh đạo Bộ Y tế và chuyên gia từ các điểm cầu đều gửi lời chúc mừng kết quả bước đầu trong điều trị bệnh nhân 91 đến thời điểm này của BV Bệnh nhiệt đới TP HCM và BV Chợ Rẫy kế thừa sau đó.


 

 Các điểm cầu tham gia buổi hội chẩn
Các điểm cầu tham gia buổi hội chẩn



PGS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh sự nỗ lực trong tìm phương án điều trị tối ưu đối với bệnh nhân 91 đã cho bệnh nhân một cơ hội sống. "Trước đây tình trang hô hấp của bệnh nhân với chỉ số đông đặc phổi lên đến 90%, nhưng về mặt y văn, đã có nhiều trường hợp vượt qua ngoài đánh giá của y học. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân đã ngưng được sử dụng ECMO và tỉ lệ thông khí phổi đã tăng lên khoảng 50-58%"- PGS Sơn đánh giá.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Sơn cho rằng dù đã được ngưng sử dụng ECMO, nhưng tình trạng của bệnh nhân 91 vẫn còn nặng, nguy cơ và diễn biến khó lường. Do đó, bệnh nhân cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân 91 cũng còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác. Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tổ điều trị cho bệnh nhân tiếp tục theo dõi điều trị về nội khoa. Bên cạnh điều trị nội khoa để bệnh nhân ngày càng tốt hơn thì cần phải chuẩn bị sẵn điều kiện về ngoại khoa (nhóm ghép phổi) để có thể sẵn sàng tiến hành khi đủ điều kiện.

Mặc dù tiến triển sức khỏe của bệnh nhân thuận lợi, nhưng để chuẩn bị đầy đủ các phương án, ngày 3-6, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ chuẩn bị ghép phổi, Tổ chuyên môn kỹ thuật, Tổ chăm sóc sau ghép cho bệnh nhân 91 phi công người Anh.

Theo quyết định, Ban chỉ đạo và các Tổ chuyên môn kỹ thuật sẽ căn cứ vào tình hình diễn biến của bệnh nhân để hội chẩn, lập kế hoạch điều trị, chuẩn bị điều kiện để ghép nếu có chỉ định, tìm nguồn phổi hiến tặng phù hợp, có kế hoạch chăm sóc sau ghép cho bệnh nhân trong trường hợp có thực hiện ghép phổi.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra sáng ngày 4-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Tổng lãnh sự Anh đã vào thăm bệnh nhân nam phi công người Anh và đánh giá cao việc các y bác sĩ đã nỗ lực điều trị cho bệnh nhân.

 


Chiều 4-6, Bộ Y tế cho biết đã 49 ngày Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng. Tính đến 18 giờ cùng ngày, Việt Nam có tổng cộng 188 ca mắc Covid-19 nhập cảnh được cách ly ngay. Trong tổng số 328 ca nhiễm, đã có 302 người khỏi bệnh/xuất viện (chiếm 91%), với 26 bệnh nhân điều trị tại 6 cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định.


Theo D.Thu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.