Ayun Pa huy động nhiều nguồn lực chỉnh trang đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) cũng rất quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo chỉnh trang đô thị theo hướng vừa hiện đại, vừa tạo nét đặc trưng riêng gắn liền với bản sắc văn hóa của địa phương.
 


Theo bà Lê Thị Liễu (tổ 1, phường Đoàn Kết), những năm gần đây, bộ mặt thị xã được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang hơn. Nhiều tuyến đường được mở rộng, vỉa hè rộng rãi, sạch đẹp. Quảng trường 19-3 được đầu tư, cải tạo không chỉ phục vụ các sự kiện lớn của thị xã mà còn là nơi các cháu nhỏ vui chơi, thanh-thiếu niên và người già có nơi hóng mát, tập thể dục.

“Sáng sớm và chiều tối, tôi đều đi bộ vòng quanh quảng trường này, hít thở không khí trong lành, mát mẻ giúp tinh thần sảng khoái, tránh được nhiều bệnh tật của người già”-bà Liễu phấn khởi nói.

  Một góc thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đ.T
Một góc thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Thụy


Tương tự, chị Phạm Thị Thùy Liên (số 16 đường Phạm Hồng Thái) cho biết: Từ khi dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun cùng với Công viên Bến Mộng được xây dựng, bà con ở đây ai cũng phấn khởi. Hoa viên được bố trí nhiều thiết bị, dụng cụ tập thể dục để người dân rèn luyện sức khỏe.

“Vợ chồng tôi sáng-chiều đều ra đây tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Rõ ràng, người dân được hưởng lợi nhiều mặt từ công trình công cộng này”-chị Liên vui vẻ cho hay.

Theo ông Lê Đình Tiến-Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Ayun Pa: Trong giai đoạn 2015-2020, cùng với việc tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chính quyền địa phương đã triển khai cải tạo, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, từ nguồn ngân sách gần 1.000 tỷ đồng, thị xã đã đầu tư nhiều dự án quan trọng như: Công viên Bến Mộng rộng 2,53 ha, Quảng trường 19-3 và một số dự án khác.

Ngoài ra, thị xã cũng đang tập trung triển khai nhiều công trình chỉnh trang đô thị trọng điểm như: dự án Công viên Bến mộng giai đoạn 2, mở rộng hoa viên Nguyễn Công Trứ, Công viên Tuổi Trẻ, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, giao thông nội thị, hệ thống thoát nước. Các dự án này sẽ giúp cho cơ sở hạ tầng thêm đồng bộ, bộ mặt thị xã thêm khang trang, tạo điểm nhấn trong không gian cảnh quan, góp phần cải thiện môi trường sống của người dân.

Từng bước hướng đến mục tiêu đưa thị xã Ayun Pa trở thành đô thị loại III trong tương lai. Ảnh: Đức Phương
Thị xã Ayun Pa đang phấn đấu trở thành đô thị loại III. Ảnh: Đức Phương


Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa có chiều dài 8,38 km với kinh phí hơn 400 tỷ đồng đã đầu tư được gần 6 km, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Dự án này không những đảm bảo sự ổn định của bờ sông, ngăn chặn sự sạt lở mà còn tạo cảnh quan đô thị, là điều kiện để phát triển du lịch.

Ngoài ra, việc nâng cấp một số tuyến đường như: Lý Thái Tổ, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Nay Der không những đáp ứng nhu cầu về giao thông, chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan khu vực trung tâm thị xã mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Cùng với đó, thị xã còn tổ chức thu gom xử lý hơn 80% lượng rác thải sinh hoạt; mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt phủ sóng hết 4 phường nội thị và xã Ia Rbol, Chư Băh; cải tạo, chăm sóc hệ thống cây xanh đô thị...

“Với mục tiêu xây dựng đô thị theo hướng xanh-sạch-đẹp-văn minh, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý công trình và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa, ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường, cảnh quan gắn với xây dựng đô thị văn minh, từng bước hướng đến mục tiêu đưa thị xã Ayun Pa trở thành đô thị loại III trong tương lai”-ông Tiến kỳ vọng.

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.