Phủ xanh đất trống đồi trọc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành chức năng huyện Kông Chro đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc và tạo thêm sinh kế cho người dân.
Tích cực trồng rừng
Đak Song là một trong những xã của huyện Kông Chro thực hiện tốt việc trồng rừng. Toàn xã hiện có hơn 907,5 ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai, bạch đàn, bời lời…
Là người tiên phong trồng rừng ở Đak Song, ông Đinh Y Vét-Bí thư Đảng ủy xã-chia sẻ: “Trước đây, tôi xuống Bình Định và thấy người thân có thu nhập ổn định nhờ việc trồng rừng nên về làm theo. Ban đầu, tôi trồng 1 ha. Thấy cây phù hợp với thổ nhưỡng, sinh trưởng và phát triển nhanh nên tôi mở rộng diện tích. Hiện nay, gia đình tôi có 5 ha rừng trồng, dự kiến trong năm 2020 sẽ trồng thêm 6 ha. 1 ha rừng trồng từ năm 2016 đã cho khai thác, bán được 45 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi lời 35 triệu đồng. Nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng nên nhân dân trong xã trồng theo”.
Anh Đinh Văn Bóp (xã Đak Song, huyện Kông Chro) bên vườn keo lai của gia đình. Ảnh: H.S
Anh Đinh Văn Bóp (xã Đak Song, huyện Kông Chro) bên vườn keo lai của gia đình. Ảnh: H.S
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn keo lai rộng 10 ha, anh Đinh Văn Bóp (làng Blà, xã Đak Song) cho hay: “Thấy nhiều người trồng rừng có thu nhập khá, mình cũng làm theo. Khi mình trồng rừng thì được xã hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật nên chi phí đầu tư ban đầu ít, chủ yếu là bỏ công trồng, chăm sóc. Cây rừng phù hợp đất đai ở đây nên phát triển tốt, gia đình mình vui lắm, mong khi khai thác đạt sản lượng cao”.
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro là đơn vị đi đầu trồng rừng ở địa phương. Ông Từ Tấn Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Công ty-thông tin: “Chúng tôi bắt đầu triển khai trồng rừng từ năm 2013 với hơn 100 ha. Những năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng bằng việc hợp tác với các doanh nghiệp, công ty và nhân dân trong huyện. Đến nay, Công ty đã trồng được 1.897,71 ha và dự kiến năm 2020 trồng tiếp khoảng 190 ha. Công ty đã khai thác gần 200 ha rừng trồng. Mấy năm gần đây, người dân nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng đã đăng ký tham gia nên diện tích không ngừng được mở rộng”.
Ông Trần Hùng Anh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro-cho hay: Từ năm 2017 đến 2019, toàn huyện trồng được hơn 2.247,54 ha rừng, vượt hơn 317 ha so với kế hoạch tỉnh giao. Trong năm 2020, huyện dự kiến trồng 350 ha rừng. 
Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng
Song song với công tác trồng rừng để tạo sinh kế cho người dân, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, ngành chức năng huyện Kông Chro đã triển khai nhiều hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, 6 tháng đầu năm 2020, ngành chức năng đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ tàng trữ, vận chuyển lâm sản, khai thác rừng trái phép (giảm 8 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, có 7 vụ tàng trữ, 5 vụ vận chuyển lâm sản trái phép; 1 vụ khai thác rừng trái phép với khối lượng gỗ thiệt hại là 41,427 m3 tại tiểu khu 805 thuộc xã Sró. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính và bán thanh lý tang vật hơn 660 triệu đồng.
Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Lâm Nghiệp Kông Chro kiểm tra rừng trồng. Ảnh: H.S
Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Lâm Nghiệp Kông Chro kiểm tra rừng trồng. Ảnh: H.S
Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện các vụ khai thác, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái phép, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro phối hợp với các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện cùng các đơn vị chủ rừng đã tổ chức 68 buổi tuyên truyền tại thôn, làng với hơn 5.000 lượt người tham gia và ký cam kết an toàn lửa rừng, không phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất rừng. Mặt khác, ngành chức năng huyện Kông Chro cũng tổ chức kiểm tra tại 8 cơ sở được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản trên địa bàn nhằm tuyên truyền, vận động không thu mua, sử dụng gỗ từ các đối tượng khai thác trái phép; tổ chức tuần tra, giám sát việc giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 4.860 ha tại 5 xã: Chư Krêy, An Trung, Yang Nam, Đak Kơ Ning, Đak Pơ Pho.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cho biết thêm: “Tới đây, Hạt sẽ tiếp tục phối phợp các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng, UBND các xã tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức của người dân để phát triển, quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với phòng chức năng, các cấp chính quyền địa phương vận động người dân tự nguyện kê khai diện tích rừng đã lấn chiếm để có phương án thu hồi và chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích đất lâm nghiệp, trồng rừng. Cùng với đó, Hạt sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp”. 
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.