Ia Pnôn: Nhiều nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,1% xuống còn 7,93% vào cuối năm 2020, xã biên giới Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) đã và đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.

Ông Rơ Châm Khiêm-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn-cho biết: Toàn xã hiện có 1.272 hộ, trong đó, dân tộc Jrai là 1.103 hộ, chiếm 86,7%. Thu nhập của người dân chủ yếu trông vào một số loại cây trồng như: lúa, mì, điều, cà phê, cao su và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo thống kê, diện tích các loại cây trồng của xã khoảng 2.443 ha, trong đó, mì 237 ha, điều 543,2 ha, cao su tiểu điền 355,8 ha, cà phê 853,4 ha...; đàn gia súc có trên 1.400 con.

Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế. Ảnh: A.H
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế. Ảnh: A.H

Nói về công tác giảm nghèo tại địa phương, Chủ tịch UBND xã cho hay: Năm 2019, cùng với việc phân công cán bộ phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, xã còn hỗ trợ về cây-con giống, phương tiện sinh kế và thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi nhằm giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, xã đã cấp hơn 2,6 tấn phân bón cho 10 hộ dân làng Chan và làng Triêl thuộc chương trình đa dạng hóa sinh kế; 15 con bò giống từ chương trình cấp phát các mặt hàng cho không; 3.800 cây giống cà phê cho các hộ tái canh; hỗ trợ làm nhà vệ sinh, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi cho 30 hộ nghèo, cận nghèo... Xã cũng triển khai mô hình trình diễn lúa nước với 9 hộ dân tham gia trên diện tích 3 ha; tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác và tái canh cà phê… 

Bên cạnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay, xã còn huy động sự góp sức của các tổ chức, đơn vị trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Ông Rơ Châm Khiêm cho hay, Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và tích cực tham gia giúp dân làm hàng rào, sửa chữa nhà ở. Trong khi đó, Đồn Biên phòng Ia Pnôn cử cán bộ thường xuyên bám nắm địa bàn, triển khai các mô hình giúp dân như: “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, chăm sóc người già neo đơn... Nhờ đó, đến cuối năm 2019, toàn xã đã giảm được 51 hộ nghèo. Như vậy, Ia Pnôn hiện còn 167 hộ nghèo (chiếm 13,1%), 386 hộ cận nghèo (chiếm 30%). Mục tiêu của xã trong năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,93%. Trao đổi về các giải pháp, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân những cách làm hay, hiệu quả; tích cực khai thác các nguồn vốn cho hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển sản xuất và vận động các tổ chức, cá nhân, đơn vị nhận giúp hộ nghèo... 

Cán bộ Đồn BP Ia Pnôn hướng dẫn bà Siu Gơn chăm sóc cây điều. Ảnh: A.H
Cán bộ Đồn BP Ia Pnôn hướng dẫn bà Siu Gơn chăm sóc cây điều. Ảnh: A.H

Đang làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ông Siu Chiên (làng Chan) bộc bạch: “Mình làm hồ sơ vay 30 triệu đồng để chuyển bớt diện tích mì sang trồng điều. Thời gian vay 3 năm, lúc đó cây điều cũng cho thu hoạch, mình sẽ có tiền để trả ngân hàng”. Gia đình ông Chiên có hơn 1,5 ha đất sản xuất. Lúc trước, ông chỉ trồng lúa rẫy, sau này mới chuyển sang trồng mì. “Mì được mùa, được giá thì mình thu khoảng 60 triệu đồng, còn mất mùa, mất giá thì ít lắm! Nếu chỉ trông vào cây mì sẽ nghèo mãi thôi nên mình quyết định chuyển bớt diện tích sang trồng các loại cây khác. Nhưng đất bạc màu rồi, trồng cà phê cũng khó, chỉ có thể trồng cây điều”-ông Chiên lý giải. Còn bà Siu Gơn (làng Bua) cũng vô cùng phấn khởi vì được Đồn Biên phòng Ia Pnôn nhận giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo. Bà Siu Gơn phấn khởi cho biết: “Nhà mình đơn chiếc với 3 con nhỏ và mẹ già. Năm ngoái, mình được Bộ đội Biên phòng xuống giúp nhiều việc, mình biết ơn lắm!”. 

Đại úy Huỳnh Văn Hải-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Pnôn-chia sẻ: Bà Siu Gơn là một trong 3 hộ mà đơn vị nhận giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, đơn vị còn nhận chăm sóc 1 cụ già neo đơn, giúp đỡ 2 gia đình chính sách; nhận “Nâng bước em đến trường” 2 cháu và nhận 1 cháu làm “Con nuôi đồn Biên phòng”. Mặt khác, đơn vị cũng phân công đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng và 23 đảng viên Biên phòng phụ trách 118 hộ để thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.