An Khê, nơi có dịp là tôi trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ, An Khê đã là một thị xã với vai trò trung tâm khu vực phía Đông tỉnh. Chúng tôi, những “người trong cuộc” một thời không khỏi mừng vui từ sự đi lên của một vùng đã từng chịu đựng bao đau thương. Nặng nợ với vùng đất phía Đông tỉnh này nên hễ có dịp là tôi trở về.
1. Từ sự nhạy cảm của những chiến sĩ từng ở ngoài mặt trận, ngay từ những ngày đầu năm 1975, đám lính trẻ chúng tôi khi ấy đang là học viên Trường Cơ yếu Khu V đã nhận ra có “một sự kiện lớn đang diễn ra ở đâu đó-chiến dịch?”. Bởi suốt ngày đêm hàng đoàn xe vận tải vượt rừng già hướng ra mặt trận trên những cung đường mới mở. Có cả xe Zin ba cầu kéo pháo và xe chuyên dụng quân sự chở bộ đội. Ít lâu sau, Ban Giám hiệu nhà trường trong một cuộc họp toàn thể cán bộ, học viên đã thông báo, Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn giải phóng, đó là sáng 11-3-1975.
Thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: NGỌC MINH
Thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: NGỌC MINH
Trung tuần tháng 4-1975, toàn bộ Trường Cơ yếu Khu V của chúng tôi đã được lệnh rời căn cứ, về nhận nơi mới là một phần của Tiểu khu quân sự Quảng Nam của chế độ cũ ở thị xã Hội An. Sự học của chúng tôi luôn bị sao nhãng bởi tin chiến thắng dồn dập đưa về từ miền Nam. Dù vậy, khóa học của chúng tôi không hề được giảm bớt thời gian theo kế hoạch. Chúng tôi tốt nghiệp vào tháng 9 năm ấy. Cơ yếu, hiểu nôm na là ngành kỹ thuật mật mã, một trong những ngành quan trọng trong việc thông tin chỉ đạo, lãnh đạo giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là quốc phòng-an ninh trong thời chiến. Sau khi “tiếp quản” và ổn định nơi mới, chúng tôi được Ban Giám hiệu nhà trường cho nghỉ 1 tuần để về thăm gia đình và cơ quan, đơn vị cũ. Sau gia đình, bà con dòng họ và quê hương Bình Định, An Khê là nơi tôi chọn trở về.
Sau gần 1 tháng sạch bóng giặc (An Khê giải phóng ngày 23-3-1975), bấy giờ vùng này vẫn là một đô thị còn khá nhiều dấu tích chiến tranh nhưng yên bình, thân thiện. Bao ký ức về An Khê một thời cứ ùa về. Dưới sự kiểm soát của chế độ cũ, đó là một thị trấn mà ngày nào từ phía rừng xa nhìn tới, chúng tôi cũng từng mơ ước đến ngày giải phóng. Tôi nhớ những đêm luồn lách qua từng con đường bí mật trong lòng thị trấn, vượt qua những đồn bốt của giặc để liên lạc, nắm tình hình từ các cơ sở trong lòng địch. Nhiều đồng đội chúng tôi, hoạt động bí mật cũng như công khai đã nằm lại dưới làn đạn của quân thù. Bao người đã rơi vào tay chúng, chịu đòn roi tra khảo tàn bạo, dã man. Trên chiếc xe đạp “chiến lợi phẩm” của đồng đội, tôi trở lại những nơi mà trước đó mình đã từng lại qua. Con đường giao liên bí mật “nội tỉnh” thuở nào dọc theo một đoạn đường hàng chục cây số phía trên đèo An Khê ngược lên giáp với thị trấn, là nơi chúng tôi qua lại hàng đêm. Giặc biết, chắc chắn là vậy, bởi nhiều lần chúng cho quân phục kích, gài mìn, lựu đạn. Đã có những đồng đội của chúng tôi nằm lại trên đoạn đường này, dù chúng tôi luôn thay đổi thời gian qua lại và không để lại dấu vết. Hôm ấy, hình ảnh anh Phan Văn Thám cũng chợt hiện về. Anh là một trong những giao liên cừ khôi, dũng cảm. Trong một chuyến cùng đồng đội công tác ra phía trước, anh đã lọt vào ổ phục kích của lính Đại Hàn. Giết anh chưa hả dạ, chúng còn cắt cả đầu anh đem đi. Bao đồng đội nữa, là các anh Sỏi, Có, Mao, Tùy... cũng đã ngã xuống nơi này.  
2. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, sau khi thăm viếng các đồng đội nằm lại ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã, tôi “nhắn tìm đồng đội” cả mấy tiếng đồng hồ mà cũng chỉ được hơn chục người có mặt. Thế cũng vui rồi, nhưng sự vui ấy sao cứ cay cay nơi khóe mắt bởi những người anh, người bạn ngày một vắng thêm. Đến nhà thắp nén nhang lên bàn thờ anh Nguyễn Đình Thọ-nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy An Khê mà tim tôi đau nhói. Là vì tôi có lỗi lớn với anh. Chị Trịnh Thị Liệu-vợ anh bảo: “Những ngày cuối cùng, anh ấy luôn nhắc tên đồng đội cũ, trong đó mấy lần anh ấy nhắc: “Sao không thấy em Phụng đến thăm anh?”. Anh mới mất hồi cuối năm vừa rồi do căn bệnh ung thư bất trị. Trước bàn thờ anh mà nước mắt lưng tròng, tôi thầm cầu nguyện cho anh bình an nơi chín suối! Qua thông tin từ Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch, hôm đó, tôi mới biết anh Lê Thanh Hiển-nguyên Phó Bí thư Thị ủy cũng vừa bị tai biến nhẹ. Tôi ghé thăm nhà, tuy có vẻ rất mệt nhưng anh Hiển vẫn gượng dậy, nở nụ cười thay cho lời chào. Cách đây 47 năm, anh Hiển là một trong 2 người giới thiệu để tổ chức kết nạp tôi vào Đảng. Chia tay anh mà tôi cứ suy nghĩ mông lung... Mùa xuân này anh đã 75.
Trở lại chuyện về thị xã An Khê ngày nay, tôi xin lấy vài con số trong bản báo cáo năm 2019 mà Bí thư Thị ủy Nguyễn Thị Thanh Lịch chuyển cho. Theo đó, sau 45 năm xây dựng trong hòa bình, ổn định, “...đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt gần 1.900 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) 7.027 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn gần 116 tỷ đồng... Hộ nghèo giảm còn 1,6%, thu nhập bình quân đầu người 41 triệu đồng/năm...”. Nhiều năm qua, bộ mặt đô thị và nông thôn của An Khê liên tục được Đảng bộ và chính quyền nơi đây quan tâm đầu tư, phát triển và xây dựng. Cùng với đó là huy động tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới... Đến nay, thị xã đã hoàn tất thủ tục đề nghị tỉnh công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.    
Tin rằng trong tương lai gần, An Khê sẽ vượt qua thách thức, khó khăn, xây dựng đô thị xứng tầm là trung tâm của vùng và cửa ngõ của Tây Nguyên.
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.