Những ngày hè cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là mùa hè của những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, khi tôi còn công tác ở ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah (nay là huyện Ia Grai, Gia Lai). Cánh giáo viên bấy giờ phần lớn đều chưa lập gia đình. Sau hơn 1 tháng về quê nghỉ ngơi, từ nửa cuối tháng 7, chúng tôi lại từ Pleiku lếch thếch kéo nhau lên huyện dự tập huấn chuyên môn và học chính trị hè. Tất nhiên là đi bộ.
Ngày ấy, mưa nhiều hơn bây giờ. Cứ vào đầu tháng 6, trời đã mưa liên miên, đất vườn nhà ai cũng xanh rêu. Tỉnh lộ 664, đoạn từ thị xã Pleiku lên huyện chỉ mới được rải nhựa một đoạn ngắn qua thị trấn, còn lại đều là đường đất. Qua khỏi ngọn núi lửa phía Tây thị xã là bước vào “trận đồ” lầy lội. Mưa lâu ngày, đất nhũn nhão làm bùn dày cả tấc. Đã vậy, thi thoảng những chiếc xe máy kéo chạy qua lại xới bùn lên.
 Nhiều trường học trên địa bàn huyện Ia Grai đã được xây dựng kiên cố.  Ảnh: T.N
Nhiều trường học trên địa bàn huyện Ia Grai đã được xây dựng kiên cố. Ảnh: T.N
Tôi thường ghé lại gần ngã tư đường lên huyện (bây giờ là ngã tư Lê Thánh Tôn-Nguyễn Văn Cừ) mua một quả dưa nước, đây là loại dưa người dân trồng trên rẫy, thu hoạch chủ yếu vào mùa mưa. Dưa to hơn dưa leo, chứa nhiều nước, khá mềm. Vai đeo ba lô, quấn chéo mảnh ni lông đi mưa, tôi miệt mài bước trên con đường mòn ven đường lớn, thi thoảng đi hẳn vào sát những bụi le rậm rạp. Cứ đi như vậy hơn nửa buổi thì đến đoạn có cây đa rất to, tán rộng như chiếc dù mà nhiều người vẫn gọi là cây đa dù, nằm sát vệ đường. Tôi dừng lại nghỉ, ăn quả dưa cho đỡ đói và đỡ khát. Sau khi nghỉ trưa ở Phòng Giáo dục và Đào tạo, đầu giờ chiều tôi cùng nhiều giáo viên khác tiếp tục cuốc bộ lên xã Ia Grai (nay là Ia Tô).
Hầu như suốt những năm ấy, các lớp tập huấn hè đều tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú của huyện đóng tại xã này. Từ thị trấn huyện lên xã Ia Grai chừng 15 km, đường xấu hơn đoạn Pleiku đi thị trấn, đặc biệt là dốc Ia Châm. Đoạn đường này bùn nhão lên đến gần đầu gối, mặc dù chúng tôi đã bỏ dép đi chân không nhưng mỗi bước đi đều rất khó nhọc. Tiếng oàm oạp vang lên đều đều sau mỗi cái nhấc chân. Mặc mưa quất ràn rạt vào mặt, mồ hôi vẫn đổ ướt cả áo! Gần chạng vạng tối thì đến nơi.
Sau khi được chia tổ theo đơn vị trường và nhận phòng ở tập thể (nguyên là phòng ở của học sinh nội trú), công việc đầu tiên chúng tôi phải làm là vào rừng kiếm củi về nộp cho cấp dưỡng. Bấy giờ, khoảnh rừng xung quanh trường vẫn còn rất nhiều cây. Đi chừng nửa tiếng là đã vác củi về, mỗi người chừng vài ba cây, phần lớn là dâu đất, một ít cành bằng lăng, lành ngạnh…
Thời bao cấp, tuy đời sống vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng các lớp tập huấn hè tập trung của giáo viên rất vui. Cuối mỗi buổi chiều nếu không mưa, chúng tôi chia đội cùng nhau đá banh và chơi bóng chuyền trên sân bóng của trường. Các cô giáo thì rủ nhau ra nương rẫy của đồng bào thôn 3 gần đó ngắt đọt rau lang, hái những quả mít non đem về cải thiện…
Giữa tháng 8 thì học xong. Trời vẫn mưa. Chúng tôi rồng rắn từng tốp cuốc bộ về thị xã. Nghỉ ngơi vài ngày sau lại lên trường. Đây là thời điểm các nhà trường tổ chức vận động chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh xây dựng, tu sửa trường lớp học. Bấy giờ, trừ một vài trường có cơ sở vật chất tương đối như Ia Mơ Nông, Ia Dêr, Nghĩa Hòa…, các trường còn lại đều xây dựng tạm bợ. Thế nhưng, ngay cả các trường vừa nêu cũng chỉ có được mấy phòng học xây ở cụm chính, còn các lớp học trong làng thì hầu hết đều tranh tre nứa lá… Sau một năm học, nhất là qua những ngày mưa dầm, mái tranh lớp học nào cũng rơi, vách liếp xiêu vẹo và nền nhà thì dê, heo vào ủi tung lên.
Mùa hè năm học 1977-1978, tôi được nhà trường phân công vào vận động xây dựng lớp học ở làng De Lung, xã Ia Grai. Làng (cũ) cách trung tâm xã khoảng 5 km, qua 2 con suối và 1 con dốc ngắn. Chân ướt chân ráo, tôi nhờ một đồng nghiệp dạy xóa mù chữ tên Phú đưa đi gặp trưởng thôn và già làng. Phú nói khá thạo tiếng Jrai. Nhờ vậy mà mấy ngày sau đã thấy dân làng vác cây và dùng xe bò chở cỏ tranh về. Làng phân công người chẻ lạt lồ ô và đánh tranh, số cây rừng thì chống thay mấy cây cột lớp học cũ đã xiêu. Số cây lồ ô còn lại được đập giập rồi đan lại, gác lên khung làm bằng cây dâu đất đóng chặt xuống đất thành băng ghế ngồi. Vài ngày sau thì lớp học cũng tu sửa xong, chuẩn bị khai giảng năm học mới! Đội ngũ giáo viên trường tôi lại chuyển sang một nhiệm vụ khác cũng khó khăn không kém. Đó là vận chuyển lương thực từ thị trấn huyện về trường. Tháng 9 vẫn còn mưa nhiều. Cứ 2 người khiêng một bao gạo chừng vài chục ki lô gam đã buộc kín bằng tấm ni lông che mưa. Đường xa, bùn nhão, mưa nặng hạt nên đưa được từng ấy gạo về trường cứ như lập được một “chiến công”.
Mấy năm sau đó, lứa giáo viên chúng tôi phần lớn đều lập gia đình, làm nhà riêng. Huyện nhà cũng thay đổi nhiều. Hầu hết các nhà trường cũng đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Đến giờ, giáo viên không còn phải cuốc bộ tham gia tập huấn hè vất vả như xưa mà đi xe máy, thậm chí nhiều người đã sắm hẳn ô tô.
Hơn 40 năm đã qua, lứa giáo viên chúng tôi ngày ấy giờ đã nghỉ hưu, lên chức ông, chức bà. Thi thoảng có dịp gặp nhau vẫn thường nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa: vất vả mà thật vui!
 THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.