Thiên Ân - Mái ấm yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng tấm lòng thiện nguyện, sơ Nguyễn Thị Kim Chi đã đứng ra thành lập mái ấm Thiên Ân tại thôn 4 (xã Chư Á, TP. Pleiku) để nhận nuôi hàng chục đứa trẻ không may phải chịu cảnh mồ côi. Nơi đây, nhiều em nhỏ đã được che chở, cưu mang, dạy dỗ để trở thành những người có ích cho xã hội.
Sơ Nguyễn Thị Kim Chi được sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak). Năm 13 tuổi, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ sơ xin cho con vào nương nhờ một cô nhi viện ở TP. Buôn Ma Thuột. Tại đây, sơ được nuôi dưỡng, cho đi học rồi thi đỗ vào ngành Trồng trọt (Trường Đại học Tây Nguyên). Sau khi tốt nghiệp, với mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, năm 2007, sơ đến Gia Lai bắt tay thực hiện tâm nguyện này. Được người thân giới thiệu một nơi rộng khoảng 1.000 m² tại thôn 4 (xã Chư Á), sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương, sơ đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp để xây dựng nhà nuôi dạy trẻ mồ côi và đặt tên là “Mái ấm Thiên Ân”.
Lẽ thường, con người ai cũng mong muốn một cuộc sống an nhàn nhưng với sơ Chi, những việc vất vả đang làm là định mệnh. Sơ tỏ ra hồ hởi khi nói về những đứa trẻ đáng yêu tại mái ấm Thiên Ân. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện và câu chuyện nào cũng đẫm nước mắt.
  Các em nhỏ tại mái ấm Thiên Ân. Ảnh: H.P
Các em nhỏ tại mái ấm Thiên Ân. Ảnh: H.P
Sơ Chi trải lòng: “Sẽ thật tẻ nhạt nếu như ta chỉ nghĩ cho riêng mình. Trước khi muốn nhận được điều gì tốt đẹp, chúng ta phải học cách cho đi. Vì thế, bài học đầu tiên của các sơ dành cho những đứa trẻ khi chúng đặt chân tới nơi này là bài học ứng xử, bài học làm người”.
Mái ấm Thiên Ân hiện có hơn 60 trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, mỗi em có một số phận khác nhau. Có em là trẻ mồ côi, có em bị bỏ rơi… Tất cả đều được các sơ xem như ruột thịt, tận tình chăm sóc, dạy bảo. Hơn 12 năm trôi qua, nơi này thực sự đã trở thành mái nhà ấm áp cho những mảnh đời bất hạnh. Trong năm 2018, có 2 em ở mái ấm thi đỗ vào đại học là em Nguyễn Thị Minh Thi, hiện đang theo học tại Trường Đại học Luật và em Nguyễn Ksor Phương Linh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (TP. Hồ Chí Minh).
Trong số các em nhỏ đã gặp, chúng tôi rất ấn tượng với em Nguyễn Thị Nga (11 tuổi, quê ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Anh Hùng Núp. Nga có đôi mắt tròn, nụ cười tươi, đang bế trên tay một em nhỏ. Nhìn cô bé xinh xắn, ít ai biết rằng em bị cha mẹ bỏ rơi lúc mới hơn 2 tuổi. Sơ Chi nhớ lại, ngày Nga mới vào đây rất ốm yếu, các sơ phải chắt chiu từng bình sữa, hạt cơm, lo thuốc thang… bé mới dần hồi phục rồi hòa nhập cùng các em nơi đây. Sơ Chi tâm sự: “Với những em được nuôi dưỡng tại mái ấm, nếu họ hàng ở quê có nguyện vọng đưa về thì chúng tôi luôn tạo điều kiện để các em được sum vầy cùng gia đình. Những em đã có nghề hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng mà chưa có chỗ ở thì nơi đây vẫn có phòng dành riêng cho các em”.             
Hàng ngày các em ở nơi đây được các thầy cô dạy học. Ảnh: H.P
Hàng ngày các em ở nơi đây được các thầy cô dạy học. Ảnh: H.P
     
Một vòng quanh mái ấm, chúng tôi thấy mỗi phần việc đều có người phụ giúp các sơ. Họ đều là những người đã từng lớn lên ở đây hoặc là người khuyết tật, không có việc làm, hàng ngày sáng tối đều đặn giúp các sơ dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho các em nhỏ. Chị Cao Lê Thanh Hồng (quê ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là người lo nấu ăn ở mái ấm. Trước kia, do cuộc sống quá cơ cực nên chị không thể nuôi nổi 4 đứa con, đành đưa cả vào đây để được các sơ dạy dỗ, cho đi học. Hàng ngày, chị giúp các sơ chuẩn bị bữa ăn cho các cháu. “Cảm ơn các sơ đã tạo điều kiện để mẹ con tôi có một chốn nương thân. Gắn bó lâu năm nên tôi không chỉ có 4 đứa con mà là mấy chục đứa luôn”-chị Hồng chia sẻ.
Chia tay mái ấm Thiên Ân, không ai trong chúng tôi có thể nguôi ngoai cảm xúc. Biết bao thiệt thòi của nhiều em nhỏ đã được các sơ bù đắp bằng tình yêu vô bờ bến. Những tấm lòng nhân hậu ấy đã truyền cảm hứng, tiếp nối mạch nguồn yêu thương để các em nhỏ nơi này lớn lên lại đùm bọc những mảnh đời bất hạnh khác. Để lan tỏa lòng nhân ái, mái ấm Thiên Ân đang cần lắm sự yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa từ phía cộng đồng.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.