Thiên Ân - Mái ấm yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng tấm lòng thiện nguyện, sơ Nguyễn Thị Kim Chi đã đứng ra thành lập mái ấm Thiên Ân tại thôn 4 (xã Chư Á, TP. Pleiku) để nhận nuôi hàng chục đứa trẻ không may phải chịu cảnh mồ côi. Nơi đây, nhiều em nhỏ đã được che chở, cưu mang, dạy dỗ để trở thành những người có ích cho xã hội.
Sơ Nguyễn Thị Kim Chi được sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak). Năm 13 tuổi, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ sơ xin cho con vào nương nhờ một cô nhi viện ở TP. Buôn Ma Thuột. Tại đây, sơ được nuôi dưỡng, cho đi học rồi thi đỗ vào ngành Trồng trọt (Trường Đại học Tây Nguyên). Sau khi tốt nghiệp, với mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, năm 2007, sơ đến Gia Lai bắt tay thực hiện tâm nguyện này. Được người thân giới thiệu một nơi rộng khoảng 1.000 m² tại thôn 4 (xã Chư Á), sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương, sơ đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp để xây dựng nhà nuôi dạy trẻ mồ côi và đặt tên là “Mái ấm Thiên Ân”.
Lẽ thường, con người ai cũng mong muốn một cuộc sống an nhàn nhưng với sơ Chi, những việc vất vả đang làm là định mệnh. Sơ tỏ ra hồ hởi khi nói về những đứa trẻ đáng yêu tại mái ấm Thiên Ân. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện và câu chuyện nào cũng đẫm nước mắt.
  Các em nhỏ tại mái ấm Thiên Ân. Ảnh: H.P
Các em nhỏ tại mái ấm Thiên Ân. Ảnh: H.P
Sơ Chi trải lòng: “Sẽ thật tẻ nhạt nếu như ta chỉ nghĩ cho riêng mình. Trước khi muốn nhận được điều gì tốt đẹp, chúng ta phải học cách cho đi. Vì thế, bài học đầu tiên của các sơ dành cho những đứa trẻ khi chúng đặt chân tới nơi này là bài học ứng xử, bài học làm người”.
Mái ấm Thiên Ân hiện có hơn 60 trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, mỗi em có một số phận khác nhau. Có em là trẻ mồ côi, có em bị bỏ rơi… Tất cả đều được các sơ xem như ruột thịt, tận tình chăm sóc, dạy bảo. Hơn 12 năm trôi qua, nơi này thực sự đã trở thành mái nhà ấm áp cho những mảnh đời bất hạnh. Trong năm 2018, có 2 em ở mái ấm thi đỗ vào đại học là em Nguyễn Thị Minh Thi, hiện đang theo học tại Trường Đại học Luật và em Nguyễn Ksor Phương Linh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (TP. Hồ Chí Minh).
Trong số các em nhỏ đã gặp, chúng tôi rất ấn tượng với em Nguyễn Thị Nga (11 tuổi, quê ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), đang học lớp 5 tại Trường Tiểu học Anh Hùng Núp. Nga có đôi mắt tròn, nụ cười tươi, đang bế trên tay một em nhỏ. Nhìn cô bé xinh xắn, ít ai biết rằng em bị cha mẹ bỏ rơi lúc mới hơn 2 tuổi. Sơ Chi nhớ lại, ngày Nga mới vào đây rất ốm yếu, các sơ phải chắt chiu từng bình sữa, hạt cơm, lo thuốc thang… bé mới dần hồi phục rồi hòa nhập cùng các em nơi đây. Sơ Chi tâm sự: “Với những em được nuôi dưỡng tại mái ấm, nếu họ hàng ở quê có nguyện vọng đưa về thì chúng tôi luôn tạo điều kiện để các em được sum vầy cùng gia đình. Những em đã có nghề hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng mà chưa có chỗ ở thì nơi đây vẫn có phòng dành riêng cho các em”.             
Hàng ngày các em ở nơi đây được các thầy cô dạy học. Ảnh: H.P
Hàng ngày các em ở nơi đây được các thầy cô dạy học. Ảnh: H.P
     
Một vòng quanh mái ấm, chúng tôi thấy mỗi phần việc đều có người phụ giúp các sơ. Họ đều là những người đã từng lớn lên ở đây hoặc là người khuyết tật, không có việc làm, hàng ngày sáng tối đều đặn giúp các sơ dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho các em nhỏ. Chị Cao Lê Thanh Hồng (quê ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là người lo nấu ăn ở mái ấm. Trước kia, do cuộc sống quá cơ cực nên chị không thể nuôi nổi 4 đứa con, đành đưa cả vào đây để được các sơ dạy dỗ, cho đi học. Hàng ngày, chị giúp các sơ chuẩn bị bữa ăn cho các cháu. “Cảm ơn các sơ đã tạo điều kiện để mẹ con tôi có một chốn nương thân. Gắn bó lâu năm nên tôi không chỉ có 4 đứa con mà là mấy chục đứa luôn”-chị Hồng chia sẻ.
Chia tay mái ấm Thiên Ân, không ai trong chúng tôi có thể nguôi ngoai cảm xúc. Biết bao thiệt thòi của nhiều em nhỏ đã được các sơ bù đắp bằng tình yêu vô bờ bến. Những tấm lòng nhân hậu ấy đã truyền cảm hứng, tiếp nối mạch nguồn yêu thương để các em nhỏ nơi này lớn lên lại đùm bọc những mảnh đời bất hạnh khác. Để lan tỏa lòng nhân ái, mái ấm Thiên Ân đang cần lắm sự yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa từ phía cộng đồng.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

Trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của suối Đak Hyam

(GLO)- Từ trụ sở UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) du khách theo con đường bê tông di chuyển khoảng 6 km về phía Đông Nam sẽ đến suối Đak Hyam. Tiếng nước lao xao đổ vào phiến đá mang theo hơi gió mát lành giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ níu chân lữ khách.
Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

(GLO)- Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).