Thuốc lá: Mối nguy cho sức khỏe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, số người đến khám-chữa bệnh liên quan đến thuốc lá tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám-Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp đến cấp cứu, trong số đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh lao có tiền sử hút thuốc lá.
Nằm điều trị tại Khoa Nội (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) nhiều ngày nay, bệnh tình của ông Rơ Lan Win (làng Ta Kuc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đã có chuyển biến tích cực. Ông Win có tiền sử hút thuốc lá hơn 40 năm nay. Khi phát hiện bản thân mắc bệnh lao, ông mới quyết tâm từ bỏ thuốc lá. “Hồi xưa mình hút thuốc lá dữ lắm, mỗi ngày 2 gói. Từ ngày bị bệnh thì bỏ hẳn”-ông kể. 
Giống như ông Win, nhiều bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cũng có tiền sử hút thuốc lá. Chăm sóc bố đang nằm điều trị tại Khoa Khám-Hồi sức cấp cứu do bệnh lao phổi tiến triển nặng, anh Ksor Đer (xã Kim Tân, huyện Ia Pa) không giấu được vẻ lo lắng. Anh chia sẻ: “Bố tôi bị lao phổi một phần do hồi xưa hút thuốc lá nhiều. Bản thân tôi lúc trước cũng hút thuốc nhưng sau này nhận thấy thuốc lá có hại cho sức khỏe nên bỏ rồi”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: N.N
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Ảnh: N.N
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, đối với mỗi bệnh nhân vào điều trị, các bác sĩ đều tư vấn, giải thích về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Cụ thể, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất, trong đó có hàng trăm loại gây hại cho sức khỏe, 69 chất gây ung thư… Khi hút thuốc lá, các chất này đi vào cơ thể sẽ gây ra nhiều loại bệnh tật nguy hiểm như lao phổi; các bệnh phổi mãn tính; tim mạch; ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, gây nguy cơ sảy thai, sinh non... Đáng chú ý, thuốc lá gây ra nhiều loại ung thư như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng… Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng-Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) cho biết: “Hàng năm, đơn vị tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị do bệnh lao phổi kèm theo tiền sử hút thuốc lá. Đối với những bệnh nhân này thì diễn tiến của bệnh thường rất nặng, bởi việc hút thuốc lá lâu năm đã làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp, lâu dần gây chít hẹp, phù nề và kết cục là mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính”.
Theo bác sĩ Hoàng, với bệnh nhân lao phổi có kèm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì việc điều trị rất khó khăn, khó lường trước được. Vì vậy, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá đang điều trị bệnh lao phổi tốt nhất là nên bỏ thuốc lá để giúp quy trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Người dân cũng nên nói không với thuốc lá để đảm bảo sức khỏe, góp phần làm cho môi trường trong lành hơn.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo thêm: Bên cạnh thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử cũng gây hại tương tự chứ không vô hại như nhiều người nghĩ. Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học TP. New York (Mỹ), thuốc là điện tử vẫn chứa hàm lượng nicotine-là chất gây ung thư. Ngoài ra, thuốc lá điện tử còn có hóa chất tạo ra màu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, ngay cả thuốc lá điện tử cũng tuyệt đối không nên hút.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng-chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn, UBND tỉnh vừa có Công văn số 1025/UBND-KGVX về việc tăng cường thực thi Luật Phòng-chống tác hại của thuốc lá, hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5-2020).

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.