Ngọt ngào hương nhãn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một sáng thức dậy ở quê nội, chị tôi bảo: “Đêm qua, chị mơ thấy cây nhãn không còn rụng lá nữa”. Nhưng rồi lát sau, tiếng chổi tre của chị lại vẫn lao xao trên cái sân gạch. Ngày nào mà chị chẳng phải gò lưng quét như thế vì lá rụng nhiều. Được cái lá nhãn khi rụng xuống là đã khô nỏ, nhưng đem đun thì khói cay sè khóe mắt.
Ấy vậy mà khi bà bảo mỗi đứa nhận một cái cây trong vườn thì chị gái tôi vẫn chọn cây nhãn. Đó là cây nhãn già nhưng tán rộng, ngọn thấp, bóng mát của nó choàng lên ngôi nhà ba gian hai chái của bà như một con gà mái luôn bảo vệ đàn con mình. Mùa xuân đến, sáng ra, đang quét sân, chị vội vàng gọi tôi: “Em nhìn kìa, năm nay thể nào nước sông cũng lên cao, lụt nặng”. Tôi còn đang ngái ngủ, vội chạy ra sân xem có chuyện gì thì chỉ thấy hoa nhãn đã đơm đầy ắp. Cây nhãn tựa như một đĩa xôi được bà đơm hậu hĩnh trong lễ cúng tổ tiên.
Đúng là hè ấy, con sông nhỏ chảy qua làng tôi bỗng như một người đàn bà “bụng mang dạ chửa”. Chẳng biết cơ man nào là nước từ nguồn đổ về, tôi ngỡ sau một đêm nước sinh sôi, nước lớn lên, nước hội quân khua chiêng, gióng trống. Cả một vùng bãi ngoài đê lâu nay đất đóng cứng đanh, cây và gai góc lên xanh giờ bị nước nhấn chìm, làng đêm đêm thao thức lo đê vỡ. Hai chị em tôi trèo lên cây nhãn nhìn ra vừa lo sợ, vừa háo hức vì chưa bao giờ mặt nước gần đến thế, nhiều người tụ tập thế. Bà tôi bảo cây nhãn, cây vải ra hoa như điềm báo cho một năm mưa gió gian nguy.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Nhưng tuổi thơ của tôi chỉ hồn nhiên nghĩ đến những trái chín ngọt ngào. Tôi đã trải qua không biết bao nhiêu vụ nhãn. Từ loại nhãn người ta chở theo thuyền từ vùng hạ lưu lên, nhãn trồng trên đồi mang xuống. Nhưng đây là lần đầu tôi được nếm vị nhãn quê. Bà bảo cây nhãn này ông nội trồng từ trước khi đi chiến trường, quả rất to, cùi dày và ngọt. Tôi thấp thỏm chờ chẳng biết hôm nào nhãn mới chín bởi chỉ còn ít ngày nữa là phải về trên nhà để chuẩn bị năm học mới.
Rồi trưa hôm ấy, các chú tôi trèo lên bẻ nhãn. Chùm quả đầu chín mọng đặt lên bàn thờ thắp hương tổ tiên. Thứ nữa đến tôi và chị gái là được nếm sớm. Tôi cầm quả nhãn to mọng, bóc lớp vỏ còn thoảng mùi nhựa bên ngoài thấy lớp cùi trong suốt, cái hạt bé xíu lẩn trốn mãi mới tìm ra. Nhãn ngọt và thơm, tôi ăn hết chùm này qua chùm khác, trưa ấy quên cả bữa cơm có canh cua và cá rô đồng.
Thế là từ đấy, hè nào 2 chị em cũng mong được về với nội. Cây nhãn có năm sai quả, có năm mất mùa chỉ thưa thớt vài chùm nhưng bao giờ cũng ngọt vị, thơm hương. Chúng tôi lớn lên, dần dà bận học hành nên cũng ít về quê nội. Có dạo từ trường về thăm nhà, thấy mẹ đưa cho ít tiền nói là bà nội cho. Tôi hơi bâng khuâng đoán chắc là bà phải bán cả mùa quả ngọt cho thương lái. Về thăm bà, vẫn cái chổi tre quét lá rụng, bà bảo: “Tuổi già nhặt nhạnh, thu hái trong vườn. Cháu đi học xa cứ yên tâm, bà ở với những cái cây nó thảo thơm, ân nghĩa lắm, mùa nào thức ấy đủ nuôi bà rau cỏ, thuốc thang…”.
Xe đã chạy khá xa, tôi vẫn nhìn về ngôi nhà ba gian của bà với bóng cây nhãn như cánh gà mẹ chở che. Hình như hương nhãn ngọt ngào vì bởi kết tinh trong đó bao buồn vui và ký ức tuổi thơ của mình.
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...