Thương lắm những vòng xe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 7, Phố núi đắm mình trong tiết trời se lạnh và mưa lúc nhặt, lúc thưa. Dòng người hối hả chạy mưa, để mặc những con dốc thênh thang bên chiều mơ nắng. Có những đêm tôi về muộn, thoáng thấy chiếc xe đạp đơn độc đi giữa lòng phố vắng, chợt ngậm ngùi nhớ về những vòng xe của mình thời còn đi học. Đó là cả một khoảng trời thương nhớ…
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời bố mẹ vẫn còn chật vật với những cuộc mưu sinh, với tôi, chiếc xe đạp mi ni là tài sản quý giá. Hai vòng bánh xe cứ lăn tròn, đưa tôi qua một thời trẻ dại. Từ dạo còn bé xíu, cứ nhấp nhấp rồi đưa cả hai chân lên đạp đủ một vòng trong ánh cười tít mắt đầy thích thú cho đến ngày trở thành cô thiếu nữ với tà áo bay, đạp xe ngược chiều gió thổi.

Hồi ức về những tháng ngày trong trẻo ấy thỉnh thoảng lại man mác trong tôi, đó là hồi ức về một bé con cứ lụi cụi tập xe, ngã vào hàng rào dâm bụt ở đường quê rất đau nhưng vẫn quệt ngang mồ hôi, dựng xe lên rồi chạy tiếp. Những ngày đến lớp, tôi như chú sẻ nhỏ còn xe đạp đóng vai là đôi cánh. Con đường kia sẽ là bầu trời cao rộng. Ngày ấy, đường sá còn hẹp, cũng chưa có nhiều loại xe gắn máy như bây giờ; nhà cửa thưa thớt hơn và hai bên đường phủ xanh những hàng cây rợp bóng. Để thong dong phố phường, ngắm cho tường tận cái đẹp của cảnh vật thì có lẽ, không phương tiện nào thích hợp bằng xe đạp.

Ngày ấy, xe đạp không chỉ là phương tiện thân thuộc với lũ học trò chúng tôi mà còn gắn bó với số đông cư dân thành phố. Khi sương còn giăng kín ngõ ra lối vào, có biết bao người đã phải rời chăn ấm, xuống đường mưu sinh. Những chiếc xe đạp chất đầy hàng hóa và người thì cong lưng đạp, hướng cái nhìn mệt nhọc về phía xa xăm. Trong mảnh không gian đó có hình ảnh mẹ tôi chở hàng thúng cá mè trên chiếc xe đạp cũ kỹ, lọc cọc từng vòng quay, vượt cả mấy mươi cây số để vào tận các buôn làng của người Jrai đổi khoai, đổi lúa.

Xe đạp cứ ngày một thưa dần, bởi xe gắn máy thuận tiện ở nhiều lẽ. Dẫu vậy, những vòng xe vẫn là hình ảnh thân thương của góc trời kỷ niệm. Với riêng tôi, tuy đã từ lâu không còn được quấn quýt với vòng xe bé nhỏ của mình nhưng vẫn xao lòng khi nhìn thấy cái phương tiện chỉ đủ cho hai người ngồi ấy thấp thoáng trên phố. Nếu một ngày nào đó, xe đạp trở thành quá khứ đối với con người thì đó sẽ là một quá khứ mà tôi không bao giờ muốn quên.

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.