Viên kẹo me ngào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày nằm viện, uống viên thuốc đắng làm tôi thèm được ngậm một viên kẹo me ngào, để được ru mình về ngày nhỏ.

Thời phổ thông, một buổi đến trường một buổi tôi giúp mẹ bán hàng quán trước cổng trường cấp I. Thời đó đang rộ lên những bộ phim hoàng tử công chúa với hình ảnh đẹp mắt được bày bán cho tụi nhỏ chúng tôi, những fan hâm mộ minh tinh màn ảnh (ngày ấy chưa được như bây giờ, muốn ngắm thần tượng chỉ việc kết nối internet sẽ có ngay thông tin đầy đủ về người nổi tiếng).

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Để giúp mẹ bán chạy hàng, tôi mua ảnh loại tấm to in giấy cứng về cắt nhỏ cỡ hình bàn tay ra từng nhân vật. Tối đến ngồi chong đèn dầu bỏ ảnh và kẹo me ngào (loại cân ký) vào túi bóng rồi hơ lửa, nhờ vậy loại kẹo me đó bán rất chạy hàng. Khi nào bỏ xong một loạt mà còn dư ra vài ba viên kẹo me tôi mới dám xin mẹ cho ăn, mà phải ngậm lâu lắm mới dám nuốt vì sợ hết. Tôi nhớ những đêm trăng sáng, hai mẹ con đạp xe gần mười cây số lên phố huyện lấy hàng qua mấy con dốc cao. Ngồi sau lưng mẹ, tôi áp mặt vào tấm áo đẫm mồ hôi, vị nồng nồng đó tôi lưu giữ mãi trong ký ức, mỗi lần đi xa chỉ thèm được áp má vào lưng mẹ, ướp vị cơ cực mà an yên đến vô cùng.

Những ngày học sinh nghỉ học, sáng sớm mẹ thường kéo tép ngoài bờ ao gần mé ruộng, mùa nước xâm xấp thường có nhiều tép và cá nhỏ sinh sôi. Đến buổi chợ tôi mang số tôm tép ấy ra chợ bán đổi lấy mắm muối, dầu ăn và ít gạo. Nếu còn dư vài đồng lẻ mẹ cho, thường tôi nhìn những tủ kẹo trong quán lớn mà thòm thèm, vì kẹo ở đấy có vẻ xịn hơn loại tôi mua ký để bán, nhưng tiếc tiền nên tôi để dành chứ không dám mua.

Ngày sinh viên xa nhà ở Hà Nội, mỗi lần Tết về tôi thường ghé Hàng Đường, nơi có thương hiệu ô mai nổi tiếng. Tôi chọn vài hộp hợp vị về làm quà Tết cho mẹ và đứng ngắm mãi những gian hàng thơm nức ngọt lịm vị trái cây. Thường tôi lựa hàng khá lâu, không vì kén chọn, mà bởi thật lòng thật dạ muốn được ướp trong cái hương ấy thật lâu, cái hương vị thuở thiếu thời thường ngồi chong đèn hơ lửa dán kẹo lâu lâu tay dính vài hạt đường lại quẹt lên miệng. Cái vị chua chua, ngọt ngọt của kẹo me vị đường, và mằn mặn vị mồ hôi.

…Tôi len lén ngậm một viên kẹo me át đi mùi thuốc, để thấy chua cay mặn ngọt giữa đời cuối cùng cũng gọn gàng nhỏ xinh như viên kẹo vậy. Thì ra, hãy cứ giữ lòng yêu với đời, rồi cũng sẽ tan hết những đắng cay, còn lại vị ngọt thơm nức lòng bàn tay.

Lâm Hạ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…