Ghé vai hỗ trợ trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thấy học trò cơm chưa ấm bụng, áo mặc phong phanh, sách vở thiếu thốn, nhiều giáo viên đã kêu gọi Mạnh Thường Quân san sẻ tình thương. Nghĩa cử nhân văn ấy của những người thầy đã tiếp thêm động lực để học sinh yên tâm đến trường theo đuổi con chữ.
Dấu vết mùa mưa còn hiện rõ trên đoạn đường đất nối xã Kon Thụp với xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) khiến hành trình đến trường của thầy Tạ Văn Định-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kon Chiêng thêm khó. Chiếc xe ô tô 5 chỗ chở 2 tạ quần áo khó nhọc vượt qua chặng đường lởm chởm đá. Không ít lần bánh xe vấp hòn đá to, xóc nẩy, vài bao tải đựng áo quần ở hàng ghế sau bất ngờ đổ về ghế phía trước, thầy Định lại phải dừng xe để sắp xếp lại. Gạt ngang dòng mồ hôi trên trán, thầy Định bộc bạch: “Hôm nay, mình đi ô tô để chở thêm 2 tạ quần áo xin được từ các nhà hảo tâm trong huyện cho học sinh. Biết trường đóng ở nơi xa, khó khăn nhất huyện mà toàn học sinh dân tộc Bahnar nên họ hỗ trợ ngay. Năm ngoái, mình xin được 2 đợt với mấy trăm bộ áo quần cũ lẫn mới. Năm nay, mình cũng xin được khoảng 4 tạ. Nghĩ đến cảnh học sinh mặc áo quần phong phanh đến trường, mình không cầm lòng được nên gắng làm. Vui nhất là được chứng kiến các em hớn hở đến trường trong những bộ đồ tươm tất”.
Thầy giáo Tạ Văn Định-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kon Chiêng (huyện Mang Yang) trao tặng quần áo cho học sinh. Ảnh: Hoành Sơn
Thầy giáo Tạ Văn Định-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kon Chiêng (huyện Mang Yang) trao tặng quần áo cho học sinh. Ảnh: Hoành Sơn
Ia Pếch là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Ia Grai với gần 100% dân số là người dân tộc thiểu số. Vì thế, hầu hết học sinh Trường Tiểu học Ngô Mây có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để các em được đến trường học hành với điều kiện tốt nhất, nhiều năm nay, Hiệu trưởng Ngô Thị Phương Yến đã tìm cách kết nối với những người có tấm lòng thơm thảo để vận động tài trợ. Nhờ vậy, hàng ngàn phần quà gồm sách vở, thước kẻ, xe đạp, gạo, mì tôm, bánh kẹo được trao tận tay học sinh trong trường. Riêng năm học 2021-2022, cô Hương vận động trao tặng 5 chiếc xe đạp và 20 chiếc cặp sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Người dân xã này còn nghèo lắm. Học sinh rất cần sự hỗ trợ từ nhà hảo tâm. Vì thế, vào dịp hè, tôi đi gặp chủ cơ sở kinh doanh ở TP. Pleiku và bạn bè công tác tại một số sở, ngành của tỉnh kêu gọi tài trợ đồ dùng học tập, áo quần cho học sinh. Có nhiều địa chỉ rất thường xuyên ủng hộ trường. Sự hỗ trợ này đã giúp duy trì sĩ số học sinh và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”-cô Yến tâm sự.
Thầy giáo Trần Đăng Khoa kêu gọi hàng trăm triệu đồng ủng hộ cho học sinh ở huyện nghèo Ia Pa. Ảnh: Hoành Sơn
Thầy giáo Trần Đăng Khoa-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái, xã Ia Tul kêu gọi hàng trăm triệu đồng ủng hộ cho học sinh ở huyện nghèo Ia Pa. Ảnh: Hoành Sơn
Nói về những giáo viên ghé vai gánh bớt khó khăn với học sinh, nhất là học sinh nghèo trong tỉnh, không nhắc đến thầy Trần Đăng Khoa-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) là một thiếu sót lớn. Trong 2 năm (2020-2021), bằng kinh phí của cá nhân và huy động bạn bè, người thân, thầy Khoa đã kêu gọi ủng hộ hàng trăm triệu đồng để làm bếp ăn, tặng quà cho không chỉ học sinh Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái mà còn 14 trường khác của huyện Ia Pa. Nếu năm 2020, kêu gọi tài trợ gần 260 triệu đồng và 86 bộ sách giáo khoa lớp 1 thì năm 2021, thầy Khoa vận động tặng hơn 17.000 khẩu trang và hàng trăm chai cồn xịt khuẩn phòng ngừa Covid-19. “Với tâm niệm làm thiện nguyện không ở đâu xa mà chính ở trên quê hương mình, tôi tự bỏ tiền riêng và vận động bạn bè trong cả nước tài trợ vật chất cho học sinh trong huyện. May mắn là bạn bè hiểu, quý cái tâm vì học sinh của mình nên khi kêu gọi là họ ủng hộ ngay. Bản thân tôi cũng thấy vui xen lẫn tự hào khi đã góp công sức để nâng cao chất lượng giáo dục, chung sức xây dựng quê hương tốt đẹp hơn”-thầy Khoa chia sẻ.
Còn rất nhiều giáo viên ở các trường học trong tỉnh có tấm lòng thơm thảo luôn hướng về học sinh mà trong khuôn khổ bài báo, người viết không thể liệt kê đầy đủ. Bằng nhiều cách khác nhau, họ lặng lẽ kết nối để Mạnh Thường Quân ủng hộ vật chất cho các trường học ở Gia Lai.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.