Làn gió mới ở Ia Khai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, đến nay, xã Ia Khai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Điểm nhấn từ làng
Đến làng Jrăng Krăi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi từ sân nhà cho đến đường làng đều sạch đẹp. Trưởng thôn Rơ Lan Kai tự hào cho hay: “Tại các cuộc họp làng, mình đều nhắc bà con giữ gìn vệ sinh môi trường. Người dân cũng đã tự giác thu gom, quét dọn rác mỗi ngày để luôn sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ. Nhiều tuyến đường trong làng đã trồng thêm cây xanh, luống hoa và bà con thay phiên chăm sóc”.
Jrăng Krăi là làng đầu tiên của xã được công nhận đạt chuẩn làng NTM. 2 năm qua, 197 hộ dân trong làng không chỉ giữ vững các tiêu chí mà còn đồng thuận tiếp tục phấn đấu để đạt các tiêu chí làng NTM nâng cao vào cuối năm 2021. Ông Kai cho biết: “So với trước đây, làng mình giờ đẹp hơn rất nhiều, bà con ai cũng phấn khởi. Ngoài góp ngày công lao động, bà con còn tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng làng. Năm ngoái, các hộ đã đóng gần 200 triệu đồng để sửa lại hội trường nhà văn hóa. Đầu năm nay, bà con đóng 1 triệu đồng/hộ để sửa lại nhà rông, lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời ở các tuyến đường, giúp việc đi lại vào ban đêm được an toàn, thuận tiện, góp phần giữ gìn an ninh trật tự”.
Một góc làng nông thôn mới Jrăng Krăi (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Anh Huy
Một góc làng nông thôn mới Jrăng Krăi (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Anh Huy
Năm 2021, làng Jrăng Blo được địa phương lựa chọn để xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trưởng thôn Rơ Lan Blao thông tin: Dân làng đã chủ động làm hàng rào quanh nhà và đào hố xử lý rác thải trong vườn. Cứ vài ngày, các hộ lại tập trung quét dọn, thu gom rác thải trên các trục đường và vệ sinh những khu đất trống, thưa vắng nhà dân. Làng chỉ còn 5 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo trong tổng số hơn 170 hộ dân. Chị Puih Hanh chia sẻ: “Cách đây 2 năm, mình vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 30 triệu đồng để đầu tư trồng mới 2 ha điều và chăm sóc 200 cây cao su. Hiện tại, vườn cao su đã cho khai thác mủ, bình quân 150 ngàn đồng/ngày. Có nguồn thu ổn định, gia đình mình sẽ tiết kiệm chi tiêu để sớm hoàn lại vốn cho ngân hàng”.
Bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã Ia Khai-cho rằng, sau khi hoàn thành một số công trình phụ trợ tại nhà văn hóa thì làng Jrăng Blo cơ bản đạt chuẩn làng NTM. Đối với các công trình cần nguồn kinh phí khoảng 100 triệu đồng, người dân đã đóng góp được gần 20 triệu đồng, phần còn lại xã đang huy động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cùng tham gia chung sức.  
Nỗ lực giảm nghèo
Song song với xây dựng làng NTM, xã Ia Khai tiếp tục hoàn thành các tiêu chí để về đích NTM vào năm 2023 theo đúng lộ trình. Trong năm 2021, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí: thủy lợi và trường học để nâng tổng số tiêu chí hoàn thành lên 14/19. Theo Chủ tịch UBND xã, 2 tiêu chí trên về cơ bản đã hoàn thành. Hệ thống trường học trên địa bàn đã được nâng cấp, sửa chữa, làm nhà tiêu hợp vệ sinh và trồng cây xanh trong khuôn viên. Trường THCS Hoàng Hoa Thám đã xây dựng xong nhà đa năng và đang tiếp tục kêu gọi các nguồn hỗ trợ kinh phí để xây dựng thư viện ngoài trời. Riêng với Trường Mẫu giáo 10-3, đầu năm 2021, xã kêu gọi Hợp tác xã sản xuất điều Ia Grai hỗ trợ 100 triệu đồng đầu tư hệ thống trò chơi cho các cháu. Với tiêu chí thủy lợi, xã đã vận động người dân và các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tham gia tu sửa, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Đồng thời, phát huy hiệu quả công trình đập Ia Klêh nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Gia đình chị Soan là 1 trong 3 hộ đã được xây dựng nhà
Gia đình chị Soan (làng Jrăng Blo, xã Ia Khai, huyện Ia Grai) được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà "Đại đoàn kết". Ảnh: Anh Huy
Trong các tiêu chí còn lại, Ia Khai xác định giảm hộ nghèo là tiêu chí khó nhất. Toàn xã có 6 thôn, làng với 1.290 hộ dân, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Đến nay, xã còn 95 hộ nghèo và 117 hộ cận nghèo. Để tháo gỡ khó khăn này, hàng năm, địa phương đều khảo sát và xây dựng kế hoạch giảm nghèo, phấn đấu giảm 20 hộ trong năm 2021. Bà Nguyễn Mai Lương nhấn mạnh: Xã tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và tiếp cận các nguồn vốn vay hiệu quả; tuyên truyền, vận động các hộ liên kết, tham gia tổ nuôi cá lồng. Địa phương cũng vận động người dân vào làm công nhân tại các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để có nguồn thu nhập ổn định; tổ chức tập huấn về du lịch cộng đồng cho hội viên, phụ nữ để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của địa phương…
Chị Soan (làng Jrăng Blo) bày tỏ: “Nhà mình trước đây chỉ trông vào 200 cây điều nên rất khó khăn. Từ khi chồng mình xin vào làm công nhân Công ty TNHH một thành viên 715, lương bình quân 5-6 triệu đồng/tháng, cuộc sống dần ổn định hơn. Mới đây, gia đình mình còn được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”. Vợ chồng mình sẽ cố gắng làm lụng để không còn nghèo khó, tích cực cùng với dân làng xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn”.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.