Nỗi đau mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa những ngày dịch Covid-19 bùng phát, cảnh người mẹ vượt 500 km về nhìn mặt con lần cuối trong 5 phút rồi phải đi cách ly hay cảnh con cái chỉ được đứng từ xa gào khóc gọi cha trước khi hạ huyệt khiến nhiều người không khỏi xót xa.
1. Trong tiết trời âm u với những cơn mưa bất chợt, người thân đau xót nhìn chiếc xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về an táng tại quê nhà. Tuân thủ quy định phòng-chống dịch Covid-19, các con ông cũng chỉ đứng phía xa nhìn chiếc quan tài của cha từ từ hạ xuống huyệt mộ. Theo lời kể của anh Đinh Văn Xuân-con trưởng của ông Đ.V.T, cha anh làm nghề thợ mộc. Đầu năm 2021, cha mẹ anh vào Bình Dương làm công nhân cho một xưởng chế biến gỗ. Một tháng qua, do dịch bệnh bùng phát, ông bà phải nghỉ việc. Vừa qua, bệnh hen xuyễn tái phát khiến ông qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông T. âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về quê an táng. Ảnh: Vũ Chi
Xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về quê an táng. Ảnh: Vũ Chi

Theo nguyện vọng của gia đình, chính quyền địa phương hỗ trợ đưa thi thể ông T. về quê an táng. Chiếc xe cứu thương chở người quá cố về tới xã ngày 25-7 khi trời đã về chiều. Sau khi phun hóa chất khử trùng, chiếc xe chạy thẳng ra nghĩa địa của xã. Trên xe chỉ có duy nhất vợ ông, người cùng về từ TP. Hồ Chí Minh. Trong giây phút tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng, những tiếng khóc xé lòng, tiếng gọi cha, gọi ông lần cuối trong cơn mưa nặng hạt khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Xa quê hương, xa con cháu đi làm công nhân lúc tuổi đã xế chiều với hy vọng tiết kiệm thêm chút vốn liếng, không trở thành gánh nặng cho con cái. Thế nhưng, bệnh nặng đã khiến ông không thể gặp mặt con cháu vào giây phút cuối đời để nói những lời trăn trối. Con cháu ông cũng chẳng thể nhìn mặt người cha, người ông kính yêu. Sau khi tiễn đưa chồng về với đất, vợ ông đã được đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung của huyện Phú Thiện.

Ông Mai Văn Hoạt-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Sol-cho biết: Sau khi nắm được thông tin, xã đã tạo điều kiện thuận lợi để gia đình đưa thi thể ông T. về quê an táng. Do từ vùng dịch trở về nên công tác phòng-chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Đại diện Mặt trận và các đoàn thể đã tới vận động người thân ông T. tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch. Với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, việc an táng được thực hiện nhanh gọn, đảm bảo an toàn phòng dịch. Đại diện chính quyền địa phương cũng đã tới chia buồn, động viên gia đình sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về quê an táng.Ảnh.Vũ Chi
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về quê an táng. Ảnh: Vũ Chi
2. Cũng vì miếng cơm manh áo, mong cho con có cuộc sống tốt đẹp hơn, chị S.H.T. (26 tuổi, buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) phải gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc để vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Tai ương bất ngờ ập tới khi ngày 18-7 vừa qua, cháu S.N. (SN 2016, con trai chị T.) bị đuối nước khi đi đánh cá cùng bác và anh họ. Nhận được hung tin, chị T. liên hệ với chính quyền địa phương để được về nhìn mặt con lần cuối. Hiểu thấu nỗi đau của người mẹ trẻ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xe cứu thương chở chị T. trở về. Xe đến nhà khi đêm đã về khuya, chị T. chỉ biết gào khóc tuyệt vọng trước cỗ quan tài để trước cửa. Mọi cố gắng, nỗ lực của chị là vì con, vậy mà giờ đây, con đã không còn, chị đớn đau gục ngã.
Tiếng gào khóc của chị T. giữa đêm khuya làm xé lòng bao người. 5 phút ngắn ngủi để chị nhìn mặt con lần cuối trôi qua nhanh chóng. Cũng không kịp nói lời dặn dò nào, người thân phải đỡ chị lên xe về khu cách ly tập trung tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. 
Ông Kpă Sáu-Chủ tịch UBND xã Ia Rmok-chia sẻ: Dịch Covid-19 đã để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai cho bao gia đình. Nghĩa tử là nghĩa tận, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể đã hỗ trợ tối đa cũng như chia sẻ với mất mát của các gia đình có người thân không may qua đời trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác phòng-chống dịch bệnh yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn vì sức khỏe của cộng đồng. Dẫu phải gánh chịu mất mát, đau thương nhưng mọi người đều tuân thủ nghiêm quy định phòng-chống dịch, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Đây là điều chính quyền địa phương trân trọng ghi nhận. Cuộc chiến chống dịch còn dài. Vì vậy, rất cần sự thông cảm, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như toàn thể người dân. Mong các gia đình sớm vượt qua nỗi đau, cùng chung tay chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.
Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

Giỗ Tổ trong tiết Thanh minh

(GLO)- Dân gian Việt Nam từ xa xưa lưu truyền bài ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.