Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Prông: Hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Song song với việc nâng dần mức vay lên 50-80 triệu đồng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) còn phối hợp với chính quyền địa phương khuyến khích người dân sử dụng vốn đầu tư các mô hình sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Sau thời gian tìm hiểu kinh nghiệm và tham khảo nhu cầu thị trường, năm 2020, anh Lê Đức Phụng (thôn Đông Hà, thị trấn Chư Prông) đã quyết định vay 80 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư chăn nuôi 3 con hươu lấy nhung. Theo anh Phụng, hươu tương đối dễ tính, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc hoặc kén thức ăn, chỉ sau 2 năm nuôi dưỡng là có thể gầy thêm đàn hoặc khai thác nhung 2 đợt/năm.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chinh sách, anh Lê Đức Phụng đang đầu tư nuôi chăn nuôi hươu, gà vịt để tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: Sơn Ca
Nhờ nguồn vốn tín dụng chinh sách, anh Lê Đức Phụng (thôn Đông Hà, thị trấn Chư Prông) đang đầu tư nuôi chăn nuôi hươu, gà vịt để tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: Sơn Ca
 


Ngoài ra, anh Phụng còn nuôi thêm gà vịt, đầu tư chăm sóc vườn cà phê 1 ha và trồng xen canh cây ăn quả. “Năm 2017, tôi vay 50 triệu đồng vốn hộ nghèo để đầu tư vườn cà phê. Năm 2020, tôi vay 80 triệu đồng vốn hộ cận nghèo để đầu tư mô hình nuôi hươu. Kinh tế gia đình tôi thay đổi tích cực hơn cũng là nhờ ngân hàng luôn hỗ trợ vốn kịp thời, giải ngân nhanh gọn, lãi suất thấp, thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất”-anh Phụng chia sẻ.

Không chỉ giải ngân vốn kịp thời cho những hộ vay đã sản xuất lâu năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện còn hỗ trợ những hộ vay mới, tạo sinh kế từ chăn nuôi bò lai sinh sản. Sau khi kết hôn, vợ chồng anh Đoàn Công Toàn (tổ dân phố 6, thị trấn Chư Prông) muốn phát triển chăn nuôi nhưng thiếu vốn.

“Sau khi nghe tôi đề đạt nguyện vọng và phương án chăn nuôi, cán bộ tín dụng xuống tận nhà kiểm tra thực tế, hướng dẫn cách thức sử dụng vốn sao cho hiệu quả”-anh Toàn cho biết. Mặc dù lần đầu vay vốn nhưng vợ chồng anh đã được giải ngân 80 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn này, kết hợp sự hỗ trợ của gia đình, vợ chồng anh đầu tư phát triển sản xuất. Hiện tại, gia đình anh sở hữu 6 con bò lai, 12 con dê và 1 ha cà phê.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Prông trao đổi kinh nghiệm với anh Đoàn Công Toàn (tổ 6, thị trấn Chư Prông). Ảnh: Sơn Ca
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Prông trao đổi kinh nghiệm với anh Đoàn Công Toàn (tổ 6, thị trấn Chư Prông). Ảnh: Sơn Ca


Tính đến thời điểm hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Prông có tổng dư nợ cao nhất trong hệ thống. Đặc biệt, gần 5 năm nay, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chính sách luôn ở mức 13-15%/năm, tương ứng tăng trưởng dư nợ 30-35 tỷ đồng/năm. Đến nay, tổng dư nợ đạt hơn 381 tỷ đồng với 10.937 hộ dư nợ, tăng so với đầu năm gần 30 tỷ đồng. Trong đó, 3 chương trình có dư nợ cao nhất là cho vay hộ nghèo (hơn 70 tỷ đồng với 1.848 hộ dư nợ), cho vay hộ cận nghèo (hơn 132 tỷ đồng với 3.270 hộ dư nợ), cho vay hộ mới thoát nghèo (hơn 58 tỷ đồng với 1.401 hộ dư nợ). Trong năm 2020, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 94%, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,18%/tổng dư nợ.

Tỷ lệ thuận với tăng trưởng tín dụng là thu nhập của hộ vay ngày một cải thiện, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo của huyện Chư Prông. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 16,2% năm 2015 giảm xuống còn 4,39% vào cuối năm 2020 (bình quân giảm 2,36%/năm), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 29,88% giảm còn dưới 8%.  

Ông Nguyễn Ngọc Linh-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chư Prông-nhận xét: “Nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sinh kế. Bà con được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Một số hộ vay vốn đã vươn lên ổn định đời sống”.

Ông Linh cho biết thêm, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng thường xuyên chỉ đạo các hội, đoàn thể rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách, tổ chức họp bình xét công khai dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn; đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để phối hợp với Phòng Giao dịch tháo gỡ kịp thời.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Thế Tuấn-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Prông-chia sẻ: “Nguồn vốn tín dụng chính sách được người dân đầu tư trực tiếp cho cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, góp phần kéo giảm số hộ nghèo. Do nhu cầu đầu tư vốn cho sản xuất mang tính liên tục, chúng tôi đề xuất xin thêm vốn và được Hội sở quan tâm giải quyết kịp thời”.

Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch cũng đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

(GLO)- Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo vào năm 2025.
Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Cả nhà bị bệnh

Cả nhà bị bệnh

(GLO)- Gần 2 năm qua, ông Đặng Chí Thành (thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh u ác tính cho vợ là bà Lê Thị Xuân Bích. Cuộc sống của gia đình càng trở nên túng quẫn khi 2 cha con ông Thành cũng bị bệnh.
Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

(GLO)-

Ngày 25 và 26-4, tại sân vận động xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) diễn ra hội chợ-giao lưu văn hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để người dân giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm của địa phương.