Thêm thu nhập nhờ nghề đan lát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ nghề đan lát, nhiều người dân xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) không những có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn mà còn góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống.
Gắn bó với công việc đan lát từ hơn 20 năm nay, ông Ksor Thăm (thôn Bah Leng) chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi thường theo người lớn tuổi đi chặt tre, trúc, lồ ô về đan làm gùi, rổ, nia... Cứ thế mày mò, học hỏi, đến năm 17 tuổi là tôi rành rẽ tay nghề. Nhờ nghề đan lát mà tôi có thể đổi sản phẩm làm được để lấy lúa gạo”. Ông Thăm cho biết thêm: Để làm ra một sản phẩm đẹp, có độ bền cao thì phải chọn các loại tre, nứa có dáng thẳng, không quá già và cũng không quá non. Thường thì buổi sáng ông đi chặt cây, còn buổi chiều ông dành thời gian ở nhà chẻ, vót rồi đan. 
Ông Ksor Thăm (trú thôn Bah Leng, xã Ia Ma rơn, huyện Ia Pa) tỉ mỉ từng thao tác để  đan chiếc gùi tre. Ảnh-R'Ô Hok (3). Ảnh: R.H
Ông Ksor Thăm (trú thôn Bah Leng, xã Ia Ma rơn, huyện Ia Pa) tỉ mỉ từng thao tác để đan chiếc gùi tre). Ảnh: R.H
Với nhiều người, chiếc gùi là vật dụng thiết yếu để đựng đồ dùng trong nhà, mang theo khi lên rẫy hoặc đưa hàng hóa ra chợ bán. Tùy theo kích thước, mỗi chiếc gùi được ông Thăm bán với giá 120-150 ngàn đồng/chiếc. Ông Thăm cho hay, bây giờ, tre nứa trên rừng ít dần nên nếu khách cần mua nhiều sản phẩm thì ông phải đến vườn rẫy mua tre của bà con trồng quanh vườn về chẻ ra đan lát. Nhờ có công việc thường xuyên những lúc nông nhàn nên ông có thêm thu nhập. Ông Ama Long (cùng thôn) chia sẻ: “Thỉnh thoảng, tôi mua gùi, rổ ở nhà ông Ksor Thăm. Tôi thấy những vật dụng ông làm đơn giản nhưng bền, đẹp và phù hợp với văn hóa lâu đời của bà con chúng tôi ở đây”.
Ông Rah Lan Djeng (trú thôn Ma Rin 1) cũng đến với nghề đan lát hơn chục năm nay. Ông cho biết: “Mỗi loại cây như tre, trúc, lồ ô... có công dụng khác nhau, thường thì cây tre chủ yếu dùng đan thúng, gùi, còn cây lồ ô thì đan cái nia, cái sàng. Có nhiều loại gùi, loại nan khít dùng để đựng đồ, đựng hạt lúa, hạt bắp gọi là “h’kah”, còn loại nan thưa thì dùng để gùi nước, gùi củi hay những vật dụng nặng hơn gọi là “bai”. “H’kah” tuy nhỏ hơn “bai” nhưng để làm ra nó phải mất nhiều công đoạn, vật liệu chủ yếu kết hợp giữa tre và cây mây, ở dưới đáy thì phải có 4 thanh gỗ để cho chiếc gùi cứng cáp, không bị lệch khi mang vật dụng nặng. “H’kah” dùng chủ yếu để đựng những thứ quan trọng hoặc mang tặng người khác nên nó được trang trí bằng nhiều hoa văn sắc sảo, giá bán vào khoảng 150-180 ngàn đồng/chiếc. Còn “bai” thì vật liệu và các công đoạn thực hiện đơn giản hơn, mỗi ngày có thể làm xong 1-2 chiếc nên giá rẻ hơn.
Ông Rah Lan Djeng (thôn Ma Rin 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cần mẫn đan rổ tre. Ảnh: R.H
Ông Rah Lan Djeng (thôn Ma Rin 1, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cần mẫn đan rổ tre. Ảnh: R.H
Với ông Djeng, việc đan lát cũng tạo thêm thu nhập cho gia đình trong thời điểm lúa cũ đã hết, lúa mới chưa chín như lúc này. “Rảnh rỗi là tôi hay đan gùi, đan giỏ..., việc này vừa tạo thêm thu nhập vừa thỏa sở thích đan lát. Mỗi chiếc gùi tôi đan xong, vợ tôi thường mang đi bán dạo trong làng. Cũng có khi người ta đặt hàng trước”-ông Djeng nói.
Năm nay tròn 63 tuổi, ông Ksor Thao (thôn Ma Rin 1) cũng chọn nghề đan lát làm “nghề tay trái” hơn 20 năm nay. Ngoài thời gian làm rẫy, ông tranh thủ chặt tre, chặt mây về đan lát những chiếc gùi, chiếc nia bán cho người trong làng. Ông chia sẻ: “Nhờ việc đan lát này tôi cũng kiếm thêm thu nhập, mặc dù chẳng là bao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống cho gia đình. Tôi thường dùng tre nhà để đan gùi, rổ, thúng, đơm cá...”. Những lúc đắt hàng, có khi ông Thao kiếm được 600-700 ngàn đồng/tuần từ nghề đan lát. Bà Amí H’Chông (hàng xóm của ông Ksor Thao) cho biết: “Hễ ông Thao đan cái gì là người ta mua cái đó, có khi người ở bên xã khác cũng qua đây mua”.
 R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.