Gia Lai quan tâm giáo dục vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai là tỉnh miền núi có đến gần một nửa dân số là người dân tộc thiểu số. Đời sống của một bộ phận dân cư trong tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội.
Thực tế những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh và toàn xã hội đã dành rất nhiều sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ để nâng cao đời sống mọi mặt của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, việc đầu tư, hỗ trợ phát triển giáo dục-đào tạo nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm, xem như một trong những nhân tố quyết định thúc đẩy kinh tế-xã hội ở khu vực này phát triển để thu hẹp khoảng cách với vùng thuận lợi. Theo báo cáo của các sở, ngành với đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ tính từ năm 2016 đến tháng 3-2019, riêng kinh phí hỗ trợ tiền ăn, nhà ở cho học sinh và trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh đã lên đến hơn 142,1 tỷ đồng; tổng số gạo cấp hỗ trợ học sinh từ năm học 2016-2017 đến năm học 2018-2019 là hơn 3.869 tấn. Cũng trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã bố trí hơn 22,2 tỷ đồng lồng ghép từ nhiều nguồn vốn để đầu tư cho 14 trường phổ thông dân tộc bán trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, các trường học và học sinh vùng khó của tỉnh còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các ban ngành, đoàn thể, cá nhân, tổ chức thông qua các chương trình trao học bổng, tặng sách vở, đồ dùng học tập, quần áo…
Không khí khai giảng của Trường DTNT Đông Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Không khí khai giảng của Trường DTNT Đông Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ này, chất lượng giáo dục vùng khó của tỉnh đã không ngừng được cải thiện. Theo ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, qua hơn 3 năm triển khai Nghị định 116 của Chính phủ, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học tập của con em đã được nâng lên rõ rệt, giảm thiểu tình trạng bỏ học, giảm áp lực đáng kể cho nhà trường và các thầy-cô giáo trong việc huy động học sinh đến trường, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao. Nếu năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chỉ đạt 45,1%, tỷ lệ bỏ học chiếm 1,1% thì đến năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng lên 62,2%, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn 1%.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, suốt dịp hè vừa qua, rất nhiều hoạt động chăm lo cho giáo dục vùng khó đã được triển khai. Theo đó, nhiều đơn vị trường học đã được chính quyền các cấp đầu tư kinh phí nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất trường lớp khang trang, mua sắm trang-thiết bị, đồ dùng dạy học. Hàng ngàn học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đã được các ngành, đoàn thể, các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài tỉnh nhận đỡ đầu, tặng học bổng, quần áo mới, sách giáo khoa, đồ dùng học tập… Cũng trong năm học này, 11.200 học sinh ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được Trung ương cấp hỗ trợ 1.512 tấn gạo.
Đặc biệt, trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020, thầy và trò nhiều trường học ở vùng khó, trường phổ thông dân tộc nội trú đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh về dự, chung vui. Sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo tỉnh ở các trường này là thông điệp khẳng định, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp trồng người ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với thầy và trò các trường vùng khó để tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới.
Vẫn biết, đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Gia Lai, nguồn lực đầu tư cho giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tế. Nhưng với tất cả những gì mà cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng như toàn xã hội đã và đang làm cho thấy ngành Giáo dục và Đào tạo luôn nhận được sự quan tâm chăm lo đặc biệt về mọi mặt. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta tin tưởng vào những sự bứt phá mới của ngành trong năm học 2019-2020 và những năm tiếp theo, qua đó góp phần hơn nữa vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.