Tết Việt ở đất nước Kangaroo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Ai cũng muốn được đón Tết bên người thân, bạn bè và đặc biệt là trên chính quê hương mình. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn đó. Rất nhiều người Việt, bao gồm những du học sinh, đã từng đón cái Tết ở một đất nước khác với nỗi nhớ gia đình, Tổ quốc. Tôi đã có một cái Tết như vậy ở đất nước Australia xa xôi.
Ở Pleiku, Tết là thời gian khá lạnh trong năm nhưng ở Australia thời điểm đó là mùa hè với rợp trời phượng tím. Brisbane-nơi tôi trải qua một năm học là thành phố lớn thứ 3 của đất nước này, có con sông Brisbane uốn theo thành phố, quanh năm nước trong xanh đầy thơ mộng. Những ngày cuối năm Âm lịch của Việt Nam rơi vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 Dương lịch. Người lớn vẫn đi làm bình thường, học sinh, sinh viên vừa qua đợt nghỉ Noel và năm mới. Nhưng với cộng đồng người Việt ở đây, Tết vẫn đang đến trong hoài niệm của những người con xa xứ và cả ở những khu chợ người Việt với đầy đủ kẹo mứt, bánh chưng và các loại trái cây quê nhà.
    Du học sinh Việt Nam tại Australia gói bánh chưng, bánh tét để đón Tết.  Ảnh: internet
Du học sinh Việt Nam tại Australia gói bánh chưng, bánh tét để đón Tết. Ảnh: internet
Nhớ gia đình, quê hương, người thân, bạn bè là cảm xúc chung của mọi người khi xa nhà, đặc biệt là vào dịp Tết. Tuy nhiên, lần đầu tiên đón Tết ở một nơi xa cũng có cái thú vị và háo hức khi được khám phá những lễ hội truyền thống của một nền văn hóa khác. Người Việt ở thành phố này chủ yếu sang định cư từ sau năm 1975. Dù rời đất nước ra đi vì bất cứ lý do gì, họ đều một lòng hướng về quê cha đất tổ, luôn tâm niệm mình là người Việt Nam. Biết chúng tôi là du học sinh ở Việt Nam, bà con rất thân tình và giúp chúng tôi rất nhiều để có thể hòa nhập cuộc sống trong những ngày ở đây. Những bữa ăn theo phong tục Việt Nam cũng như những bữa tiệc barbecue theo phong cách Australia đã giúp chúng tôi hiểu thêm rất nhiều về cuộc sống nơi đây. Dù sống ở một nơi xa xôi, tâm hồn Việt đã giúp mọi người cảm thấy như mình vẫn đang ở quê nhà.
Theo chị Minh Trang, một người Việt đến Australia từ năm 1995 theo diện kết hôn, bà con Việt kiều định cư nơi đây thường dịp Tết là tụ họp nhau lại, không kể quê quán, dân tộc, tôn giáo, rồi tổ chức các chương trình, các nội dung vui xuân, đón Tết nhớ về Tổ quốc. Điều mà bà con ở đây làm được là giáo dục cho con cháu về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, mở các lớp dạy tiếng Việt để Tổ quốc luôn hiện hữu trong tâm hồn và cuộc sống dù đang ở bất cứ đâu.
Ngày Tết, tuy vẫn phải đi làm bình thường nhưng cộng đồng người Việt đã dành những ngày cuối tuần chuẩn bị cho hội chợ xuân với đầy đủ hương vị quê nhà. Hội chợ có các tiết mục múa lân, văn nghệ với những bài hát Việt được nhiều thế hệ yêu thích và chương trình trình diễn Quốc phục với nhiều gam màu, nhiều kiểu dáng, tôn thêm nét duyên dáng cho người con gái Việt Nam xa xứ. Đặc biệt nhất là các gian hàng ẩm thực với các món ăn độc đáo của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Phở của miền Bắc, nem lụi của miền Trung, bún mắm của miền Nam... và bao nhiêu món ăn hấp dẫn khác mang đậm hương vị Việt. Hội chợ cũng là dịp để người Việt ở đây gặp nhau, trao cho nhau những lời chúc đầu năm, vì qua dịp cuối tuần là họ lại bận rộn đi làm nên không có thời gian để đến nhà thăm hỏi nhau theo phong tục Việt Nam.
Giao thừa, những du học sinh tụ tập lại, cùng nhau trò chuyện về gia đình và Tổ quốc, rồi cùng hát những bài ca đi cùng năm tháng như: “Xuân đã về”, “Xuân này con không về”, “Nhớ quê” và không quên bài kết thúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.  Sau đó, mọi người cùng thưởng thức những món ăn Việt như: bún chả, nem rán Hà Nội, lẩu mắm miền Tây, bún bò Huế, phở khô Gia Lai… Khi thời gian nhích dần sang phút Giao thừa thiêng liêng thì nỗi nhớ gia đình, quê hương lại nhân lên gấp bội, mọi người ai cũng cầm điện thoại gọi về nhà chúc Tết. Nhiều chị em ôm nhau khóc... 
Tôi chỉ học ở Australia theo chương trình đào tạo trong 1 năm rồi về nước tiếp tục công việc. Thêm bao nhiêu mùa xuân nữa đã qua được sống trên đất nước mình, được ngắm những cành mai, cành đào khoe sắc thắm, được thưởng thức những chiếc bánh chưng gói với lá dong tươi, được cùng gia đình, bạn bè đón những cái Tết sum vầy. Và, trong ký ức về ngày Tết ấy, cái Tết ở Australia năm nào trong cái nóng mùa hè của vùng Nam bán cầu vẫn là một kỷ niệm khó phai...
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Mạnh dạn để con tự đứng lên

Quá trình vấp ngã, sai lầm, thất bại sẽ giúp trẻ nhận thức đầy đủ về vấn đề. Đồng thời trẻ sẽ tăng thêm sức mạnh ý chí và biết ứng biến trong nhiều tình huống
Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai: Vì sự phát triển dân số bền vững

(GLO)- Năm 2023, ngành Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Gia Lai đã đạt một số chỉ tiêu cơ bản trong công tác phát triển dân số. Đó là giảm mức sinh, tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, các định hướng mô hình dân số với phát triển gia đình bền vững.

Mùa xuân đoàn tụ

Mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán 2024, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã tổ chức lễ công bố giảm hết thời gian chấp hành án phạt tù cho 36 phạm nhân. Đây là những phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật, cải tạo tốt và mong muốn sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Nhìn con sửa mình

Nhìn con sửa mình

(GLO)- Tôi đã chứng kiến câu chuyện của cậu bé học lớp 4 ở bên nhà hàng xóm. Mỗi lần phạm lỗi, bé thường bị mẹ mắng và trách phạt bằng roi.
Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

Đak Pơ có 13 trường hợp tảo hôn trong năm 2023

(GLO)- Sáng 21-12, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Đề án năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình

(GLO)- Trong bữa cơm tối, con trai tôi kể: “Bạn Mận cùng lớp con không chỉ ăn sáng ở quán mà cả bữa trưa, bữa tối nữa, ngày nào cũng vậy mẹ ạ!”.
Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực gia đình

(GLO)- Với sự vào cuộc của các ngành, địa phương cũng như đa dạng hình thức tuyên truyền, công tác phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2023 có nhiều chuyển biến. Số vụ BLGĐ đã giảm rõ rệt, góp phần cải thiện đời sống của mỗi gia đình.
Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

Chính phủ quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa

(GLO)- Để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.