Nguyễn Văn Duy-Thành công từ mô hình nuôi dê Boer

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tốt nghiệp Cao đẳng Chăn nuôi và Thú y của Trường Đại học Tây Nguyên (tỉnh Đak Lak), sau 1 năm làm cán bộ thú y tại huyện Cư Kuin-tỉnh Đak Lak, Nguyễn Văn Duy xin thôi việc và về quê khởi nghiệp từ nuôi dê Boer (một giống dê có nguồn gốc từ Nam Phi). Hiện trang trại dê của Duy được đánh giá là có quy mô lớn nhất các huyện phía Đông Nam của tỉnh.

Trót “mê” dê Boer khi còn học THPT

Trong chuyến công tác mới đây về xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), tôi được chị Bùi Thị Lý-Bí thư Đoàn xã dẫn đi tham quan mô hình thanh niên điển hình trong việc phát triển kinh tế từ nuôi dê. Chờ hơn 30 phút thì “nhân vật” mới về đến nhà và phải chờ thêm 10 phút nữa để “nhân vật” tắm rửa thay quần áo vì  cả người lấm lem bùn đất do tranh thủ ra ruộng lúa bón phân.

 

Nguyễn Văn Duy chăm sóc đàn dê của mình.                                             Ảnh: H.Đ.T
Nguyễn Văn Duy chăm sóc đàn dê của mình. Ảnh: H.Đ.T

Xong mọi thủ tục, Nguyễn Văn Duy dẫn chúng tôi đi thăm trang trại dê của mình. Khi cổng trang trại mở, hàng chục con dê lớn nhỏ vây quanh đòi ăn. Vừa lấy một xô nhỏ bắp hạt cho vào máng thức ăn của dê, Duy vừa thong thả trò chuyện về quá trình khởi nghiệp.

Duy vốn không phải là người của xứ sở nắng gió này. Năm 1996, cậu bé Nguyễn Văn Duy theo gia đình từ tỉnh Hưng Yên đi xây dựng kinh tế mới ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện). Tuổi thơ Duy gắn liền với đồng ruộng của vùng quê nghèo này nên từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, Duy đã suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo khi người dân ở vùng quê này chỉ trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi bò, hiệu quả kinh tế không cao.

Nghĩ vậy, Duy thường xuyên lên mạng tìm hiểu các mô hình chăn nuôi để phù hợp với vùng quê mình, qua đó thấy mô hình nuôi dê Boer mang lại hiệu quả kinh tế cao. Biết vậy, nhưng Duy đành ấp ủ ý định trong đầu vì đang còn học THPT. Cuối cấp, Duy liền nộp đơn thi vào hệ cao đẳng Trường Đại học Tây Nguyên, Khoa Chăn nuôi và Thú y. Khi ra trường Duy xin được việc làm ở huyện Cư Kuin tỉnh Đak Lak, trong thời gian làm ở đây Duy vẫn tiếp tục nuôi giấc mơ. Anh tranh thủ thời gian đến TP. Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) để tìm hiểu mô hình nuôi dê Boer, sau đó Duy quyết định về Chư A Thai xây dựng chuồng trại để thực hiện ý nguyện lâu nay.

Tiên phong đưa giống dê mới về địa phương

Sau khi làm chuồng trại, với số tiền tích lũy được cộng với tiền vay, Nguyễn Văn Duy làm một chuyến đến Ninh Thuận nhập về 17 con dê Boer giống, gồm 1 con đực và 16 con cái với giá thành 170 ngàn đồng/kg dê giống (mỗi con dê giống lúc ấy hơn 20 kg). Khi đưa dê về nhà nuôi thì Duy nhờ chị chăm sóc, mỗi tháng Duy từ Đak Lak về chăm sóc, kiểm tra bệnh tật cho đàn dê một lần. Lúc ấy Duy là người đầu tiên của các huyện, thị xã phía Đông Nam như Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Ayun Pa đưa dê Boer về nuôi.

Vạn sự khởi đầu nan, mặc dù đã kỳ công chăm sóc nhưng đàn dê Boer của Duy chậm phát triển và thường xuyên bị bệnh do điều kiện khí hậu và môi trường khác biệt, đáng lo ngại là có 2 con giống bị chết. Nhiều người nghi ngại về mô hình chăn nuôi này, người thân cũng bàn lui trước áp lực về vốn. Không nản chí, Duy tìm những kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm ở các nơi để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nhờ vậy mà đàn dê dần hồi phục và phát triển tốt. Tháng 6-2016, Duy quyết định xin thôi việc ở Đak Lak về Phú Thiện và hợp đồng làm cán bộ thú y ở xã Ia Yeng gần nhà để tiện việc đầu tư phát triển trang trại.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệm của NGUYỄN VĂN DUY:

Theo đuổi đến cùng ý tưởng khởi nghiệp.
Kiên trì bền chí.
Có sự say mê và dám đi con đường mới.

Duy cho biết: Ưu điểm của dê Boer là ăn khỏe, tăng trọng nhanh, thân hình to lớn. Một con dê trưởng thành cần khoảng 5 kg thức ăn/ngày, chủ yếu là cỏ, lá cây trong vườn; trọng lượng của dê đực có thể lên tới 60-70 kg. Tuy nhiên, vì con giống được nhập về từ ngoài tỉnh nên phải có cách chăm sóc phù hợp để dê nhanh chóng thích nghi với thời tiết, khí hậu tại nơi ở mới, trong đó chú trọng phòng-chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại, như: phun thuốc tiêu độc khử trùng, dọn và xử lý phân, nước thải thường xuyên để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Đối với dê sinh sản, cần cho ăn thêm cám viên để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đến thời kỳ dứt sữa cần tiêm thuốc xổ giun cho dê con.

Hiện nay trang trại của Duy có 46 con dê Boer giống. Mỗi năm một con dê giống sinh khoảng 4 dê con, sau 3-4 tháng thì dê con có trọng lượng từ 25-30 kg, giá mỗi ký dê Boer hiện nay là 120 ngàn đồng. Như vậy, với 46 con dê giống hiện nay, mỗi năm trang trại của Duy xuất chuồng hơn 150 con, trừ chi phí thì lãi khoảng 400 triệu đồng/năm. Hiện trang trại của Duy là điểm cung cấp giống cho bà con ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh; khi cung cấp giống, ông chủ trang trại này còn “bao” luôn việc hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thuốc thú y miễn phí 1 tháng cho bà con. Duy cho biết thời gian đến anh sẽ đầu tư chuồng trại và mua thêm giống để nhân rộng mô hình này.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.