Chi 42 tỉ đồng để làm 530 m đường nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã lên kế hoạch chi 42 tỉ đồng để làm đoạn đường chỉ 530 m. 

Tuyến đường ĐH.25 dài 530 m được đầu tư 42 tỉ đồng ẢNH: PHẠM ANH
Tuyến đường ĐH.25 dài 530 m được đầu tư 42 tỉ đồng ẢNH: PHẠM ANH
Đây là tuyến đường từ Cụm công nghiệp La Hà (H.Tư Nghĩa) đến H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), giai đoạn 2, dài 530 m (còn gọi là đường ĐH.25). Theo tài liệu Thanh Niên có được, ngày 30.10.2019, ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND H.Tư Nghĩa đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình đường ĐH.25 giai đoạn 2. Đến ngày 2.7.2020, H.Tư Nghĩa tiếp tục có quyết định phê duyệt bản vẽ thi công và tổng dự toán công trình.
Theo đó, tuyến đường có bề rộng nền đường 21 m, bề rộng mặt đường 10,5 m cùng các hạng mục phụ trợ khác. Công trình thuộc dự án nhóm C, công trình giao thông cấp 3, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp 4. Trả lời Thanh Niên ngày 20.9, ông Trần Thiên Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Tư Nghĩa, xác nhận huyện đang đầu tư xây dựng tuyến đường ĐH.25. Đây là tuyến đường nối liền giữa TT.La Hà đến xã Nghĩa Trung (H.Tư Nghĩa) và thông với H.Nghĩa Hành. Nhưng dự án này hiện chưa tiến hành thi công.
Ông Thanh cho biết do kinh phí lớn, nhưng khả năng bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ không xong trong năm 2020, nên H.Tư Nghĩa ưu tiên vốn cho các công trình khác hoàn thành trong năm nay.
Nguy cơ cầu chờ đường
Con đường từ Cụm công nghiệp TT.La Hà qua phía tây cầu Phủ chỉ dài 666 m, nhưng được chia nhỏ thành 3 dự án: Dự án ĐH.25, dự án cầu Phủ và dự án mở rộng đường thuộc thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung, H.Tư Nghĩa. Trong khi cầu Phủ dự kiến hoàn thành vào tháng 2.2021, thì 2 tuyến đường đấu nối cầu Phủ là ĐH.25 và đường An Hà 3 vẫn chưa thi công. Theo ông Trần Thiên Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Tư Nghĩa, đường ĐH.25 sẽ xây dựng năm 2021, còn đường An Hà 3 thì chưa biết khi nào mới triển khai.
Về việc đoạn đường chỉ dài 530 m nhưng đầu tư đến 42 tỉ đồng, ông Thanh lý giải: Tổng vốn đầu tư là 42 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp gần 10 tỉ đồng; đền bù, giải phóng mặt bằng là 25 tỉ đồng; còn lại là chi phí quản lý dự án, chi phí dự phòng, tư vấn thiết kế…
Theo tài liệu chi tiết về các chi phí đền bù do cán bộ huyện cung cấp theo chỉ đạo của ông Thanh, có 115 hộ ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất thu hồi hơn 8.700 m2; 90 căn nhà ảnh hưởng khi thu hồi; 15 căn nhà phải bố trí tái định cư. Về cơ chế đền bù, H.Tư Nghĩa áp dụng theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 18.8.2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Cơ chế về giá đất, huyện này làm theo Quyết định 11/2020/QĐ-UBND ngày 8.6.2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi (áp dụng từ 2020 - 2025).
Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng suất đầu tư như vậy là không cao bất thường, vì nền đường phải thi công đến 21 m, chi phí đền bù về đất, nhà cửa, tái định cư quá nặng.
Theo Phạm Anh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Đề xuất quy định mới về tính tiền sử dụng đất khi cấp sổ đỏ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...