Chàng trai khuyết tật thổi hồn vào các sản phẩm từ tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Chính cây tre đã làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi kiếm tiền và mô hình nhà rông Tây Nguyên là sản phẩm từ tre đầu tiên tôi bán được”, Hồ Em chia sẻ.

Anh Triệu Hồng Hồ Em cùng các sản phẩm thủ công từ tre. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Anh Triệu Hồng Hồ Em cùng các sản phẩm thủ công từ tre. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)


Không may mắn vì bị teo cơ hai chân và hai tay từ nhỏ, nhưng với sự nỗ lực và khả năng sáng tạo, anh Triệu Hồng Hồ Em (33 tuổi) ở ấp Long Thuận 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới (An Giang) đã gửi gắm lòng mình vào những thanh tre khô, tự làm ra những sản phẩm thủ công từ tre vô cùng tinh xảo và đẹp mắt.

Triệu Hồng Hồ Em là con út trong gia đình nghèo và bố mất sớm. Nhà có 4 anh, chị em nhưng anh trai bị tai nạn qua đời, còn 2 người chị có gia đình riêng, làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Hồ Em cho biết, hồi nhỏ anh cũng đi học bình thường như bao bạn bè khác và là học sinh giỏi. Lên lớp 4, anh bị nhức chân từ gối xuống tới mông và đến năm lớp 6 thì không thể đi lại được nên phải nghỉ học.

Nhà không có ruộng, chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau nên anh luôn cố gắng uống thuốc và tập luyện tay, chân để có thể nhanh hồi phục, giúp mẹ bớt vất vả. Hàng ngày, bà Võ Thị Ảnh, mẹ của Hồ Em vừa chăm sóc con bệnh nằm liệt giường, vừa tranh thủ ra đồng hái rau dại đem ra chợ bán.

Sau những tháng ngày nằm một chỗ, với ý chí và nghị lực cao, tay chân của Hồ Em đã cử động lại và ngồi được xe lăn, sau đó tự đi lại dù không khỏe mạnh như bình thường.

“Tôi tập luyện cử động tay chân mỗi ngày, ngay trên giường bệnh. Lúc mới tập, tay chân cử động rất đau, đốt sống cổ đơ cứng vì nằm một chỗ quá lâu, còn chân cũng co rút,” Hồ Em nhớ lại.

Hồ Em tâm sự, ý tưởng làm đồ thủ công, quà lưu niệm từ tre đến rất tình cờ. Sau những lần được mẹ cho ra ngoài hiên nhà hóng mát, thấy mẹ chẻ tre phơi làm củi nên anh nảy sinh ý tưởng làm đồ chơi từ tre cho đỗ buồn.


 

Những sản phẩm độc đáo từ tre do anh Hồ Em tạo ra. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Những sản phẩm độc đáo từ tre do anh Hồ Em tạo ra. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)


Ban đầu Hồ Em nhờ mẹ chẻ tre thành những thanh nhỏ, sau dùng dao vót trơn, mài bóng, lắp ráp thành những món đồ để tặng bạn bè và hàng xóm mỗi khi họ ghé chơi. Được mọi người thích nên anh cứ thế làm, rồi mê lúc nào không hay. Những món quà mô hình từ tre của Hồ Em làm tặng được truyền tay nhau, nhiều người thích, tìm đến nhà hỏi mua.

“Chính cây tre đã làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi kiếm tiền và mô hình nhà rông Tây Nguyên là sản phẩm từ tre đầu tiên tôi bán được”, Hồ Em chia sẻ.

Thấy con tìm được niềm vui và đam mê làm mô hình từ tre sau chuỗi ngày nằm bất động trên giường bệnh nên những lúc đi làm, thấy tre là bà Ảnh lại xin, mang về cho con. “Cứ nghĩ con làm đồ chơi từ tre cho đỡ buồn, đâu có nghĩ có thể bán như bây giờ,” bà Ảnh cười nói.

Khi đã thành thạo tay nghề, năm 2010 Hồ Em quyết định làm các mô hình từ tre để bán kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Từ những thanh tre vô tri, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của anh đã “biến” thành những món đồ chơi, những món quà lưu niệm rất tinh xảo và độc đáo.

Hàng chục loại mô hình nhà rông Tây Nguyên, nhạc cụ, xe đạp, móc khóa, chậu hoa, bàn, ghế... dần dần được Hồ Em mày mò chế tác. Tuy nhiên, do tay cử động rất khó khăn, cổ không thể xoay chuyển được nên anh phải mất một ngày hoặc cả tuần mới hoàn thiện sản phẩm tùy vào mức độ phức tạp.

Đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng mô hình căn biệt thự từ tre, để giao cho khách, Hồ Em cho biết, mô hình này do một người khách Việt Kiều đặt hàng, anh mất gần 3 tháng mới hoàn thiện được sản phẩm. “Sản phẩm nào mình cũng dồn tâm huyết làm cẩn thận nhất có thể vì không chỉ mang lại niềm vui, mà còn giúp mình kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống,” Hồ Em nói.

 

Mô hình biệt thư bằng tre do anh Hồ Em hoàn thành sau gần 3 tháng lắp ghép từng chi tiết nhỏ. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Mô hình biệt thư bằng tre do anh Hồ Em hoàn thành sau gần 3 tháng lắp ghép từng chi tiết nhỏ. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)



Anh chia sẻ, cây tre sau khi mua về được phơi khô, xử lý chống mối mọt sẽ lựa những đốt lóng dài để tạo hình rồi ghép lại thành những mô hình hoàn chỉnh. Ngoài những sản phẩm được làm sẵn, khách hàng có thể yêu cầu kích thước gợi ý cảnh vật và ý tưởng bất kỳ. Tùy theo kích thước, kiểu dáng, số lượng chi tiết, giá bán mỗi sản phẩm từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Dùm, Phó trưởng ấp Long Thuận 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nhận xét: Hồ Em ngoan, lễ phép và rất thương mẹ. Tuy sức khỏe yếu, vận động khó khăn nhưng Hồ Em có ý chí vươn lên trong cuộc sống, tự làm quà lưu niệm bằng tre bán kiếm tiền phụ giúp mẹ.

Từ đôi bàn tay khéo léo và một nghị lực phi thường, Hồ Em đã vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống và sức khỏe, vươn lên trở thành tấm gương, động lực truyền cảm hứng không chỉ với những người khuyết tật mà còn cho tất cả mọi người.

Theo Công Mạo (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…