Cái cách mà cha mẹ thường khen thưởng khi con vâng lời hoặc trừng phạt khi con không vâng lời, đã gián tiếp khiến trẻ không dám nói 'không' trong các tình huống nguy hiểm.
Dạy con biết nói "không" lúc cần thiết ngay từ nhỏ - Minh hoạ: DAD |
Vậy cha mẹ phải làm thế nào để con lên tiếng, dám nói "không", nhất là trong thời điểm mà những cuộc xâm hại tình dục, bạo hành, bạo lực học đường đang diễn ra “sôi nổi” như hiện nay?
Con không dám nói "không" vì sợ là trẻ hư
Câu “thần chú” chúng ta vẫn dạy trẻ trong việc phòng chống xâm hại là “Nói không, bỏ đi và kể lại với cha mẹ”. Nhưng để con dám nói "không", chịu "bỏ đi" và sẵn sàng “kể lại với cha mẹ” thì cần sự nỗ lực dạy trẻ nhiều năm chứ không chỉ đọc xong một cuốn sách hay sau một vài lần nhắc nhở là trẻ sẽ làm được. Nhất là khi nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa hề dạy con cách nói "không".
Lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng một đứa trẻ ngoan là một đứa trẻ biết vâng lời người lớn. Luôn luôn là vậy. Cái cách mà cha mẹ khen thưởng con khi con ngoan, vâng lời cha mẹ, hay trừng phạt khi con không vâng lời, đã gián tiếp khiến con chúng ta không dám nói "không" trong các tình huống nguy hiểm như bị quấy rối. Nhất là 80% kẻ xâm hại đều là người quen biết với nạn nhân thì chính việc cha mẹ áp đặt "ngoan có nghĩa là vâng lời" sẽ khiến con bạn không dám nói "không". Kể cả khi đứa trẻ thuộc làu lời mẹ dạy “cơ thể này là của con”, thì đứa trẻ vẫn không dám phản kháng hoặc phản kháng yếu ớt nếu như "ông chú, bác trai, ông hàng xóm" quấy rối. Vì nếu phản kháng, nếu nói "không" thì trẻ sẽ lo sợ mình không nghe lời có nghĩa là không ngoan.
Để trẻ "kể lại" với cha mẹ lại còn khó hơn. Những sức ép từ dọa nạt như “cấm nói với cha mẹ, nếu không sẽ…”, khiến đứa trẻ sợ hãi. Trẻ còn luôn có tâm lý kể ra chưa chắc cha mẹ đã chịu lắng nghe. Sự tin tưởng rằng cha mẹ sẽ hoài nghi lời mình nói, cha mẹ sẽ làm ngơ hoặc cha mẹ sẽ nổi giận, khiến đứa trẻ sợ hãi khi phải kể ra...
Hãy cho con quyền được lên tiếng
Để muốn con nói "không", hãy cho con được quyền lên tiếng với cả những điều nhỏ nhất. Như con dám nói "không" khi bố mẹ bắt đi ngủ. Bố mẹ muốn con đi ngủ thì bố mẹ cần vừa tôn trọng lời nói "không" của con, vừa phải dùng cả lý lẽ để con nhận ra vì sao con cần đi ngủ sớm, chứ không phải bằng quyền lực của người làm cha, làm mẹ.
Như con dám nói "không" với việc làm bài tập về nhà mà bố mẹ không thể quát tháo con rằng “Con mà không làm bài là bố cho ăn đòn". Mà phải nói cho con biết tại sao con phải làm bài một cách thuyết phục. Dạy trẻ nói "không" cần nhất phải dạy bằng lòng tôn trọng con. Và đây là cả một quá trình. Đủ để con có thể nói không với bất cứ điều gì khiến con "không thấy thoải mái" chứ không chỉ ai đó xâm hại con, chạm vào vùng kín của con.
Việc "kể lại" với cha mẹ cũng vậy. Không phải cứ làm bạn với con là con có thể kể tuốt những điều con nghĩ, con lo, con buồn, con ghét, con yêu. Để con có thể lên tiếng với cha mẹ thì cần nhất vẫn cứ là con cảm nhận được cha mẹ tôn trọng con. Khi con đủ kiến thức rằng con đang bị xâm hại, con sẽ kể lại với ai tôn trọng và tin tưởng con. Thế nên, nếu bố mẹ không trở thành người như vậy thì người đó sẽ là ai?
Cuối cùng, để con lên tiếng không phải ngày một ngày hai hay dạy là con hiểu. Cha mẹ cần thực hành cùng con, chia sẻ cùng con, nói với con, tôn trọng con, tin tưởng con từ lúc con còn thơ bé.
Theo Hoàng Anh Tú (thanhnien)