(GLO)- Để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, hướng dẫn viên cộng đồng (gọi theo tên tiếng Anh là CF) Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai có nhiệm vụ tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc”, giúp các hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm mới. Họ còn là cầu nối gắn kết giữa người hưởng lợi với Ban Phát triển xã nhằm thực hiện có hiệu quả những hợp phần triển khai của dự án.
Giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Từng học chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp, Phạm Thị Hiếu-hiểu rõ hơn ai hết về những mong muốn của người nông dân là làm thế nào để thu nhập và đời sống của người dân ngày một nâng cao. Chính từ ý nghĩa sâu xa đó, để phục vụ tốt hơn cho chuyên ngành đã học, Hiếu nộp hồ sơ dự tuyển làm hướng dẫn viên cộng đồng Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai. Qua nhiều vòng phỏng vấn, Hiếu đã được Ban Điều phối Trung ương và Ngân hàng Thế giới lựa chọn về làm hướng dẫn viên cộng đồng tại xã Lơ Pang (huyện Mang Yang). Trò chuyện với P.V, Phạm Thị Hiếu kể lại: “Khi biết tin được chọn làm hướng dẫn viên cộng đồng tôi rất mừng. Nhưng rồi lại lo vì công việc mới này không biết có hoàn thành tốt được không. Sau một thời gian, dự án hỗ trợ rất nhiều phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ để làm một hướng dẫn viên cộng đồng, tôi thấy khá yên tâm và gắn bó với công việc”.
Những hướng dẫn viên cộng đồng (CF) đang trao đổi phương pháp quản lý công việc trên phần mềm. Ảnh. Đ.Y |
Giá trị thiết thực của dự án là giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm mới, xác định phương thức làm ăn, biết nuôi con gì và trồng cây gì cho phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng để vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì thế, với một hướng dẫn viên cộng đồng là phải thường xuyên bám làng, bám hộ gia đình, giúp từng hộ, từng nhóm hưởng lợi của dự án, thực hiện có hiệu quả những nội dung triển khai nhằm hỗ trợ người nghèo đạt được hiệu quả cao nhất.
Lơ Pang là một trong 25 xã được chọn triển khai dự án. “Xã có 8 làng, với 95% là người Bahnar. Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn và lạc hậu. Là một hướng dẫn viên cộng đồng, để hướng dẫn người hưởng lợi nắm chắc về dự án, tôi thường xuyên phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phương thức canh tác của bà con. Khi đó, thấy bà con còn cần gì và chưa biết cách làm thì tôi lập kế hoạch báo cáo với Ban Phát triển xã, sau đó, Ban đưa ra những giải pháp để dự án hỗ trợ trực tiếp tới bà con”-Hiếu chia sẻ.
Niềm vui lớn từ những công việc nhỏ
Được đào tạo chuyên ngành cán sự xã hội, sau khi ra trường-năm 2011 đang làm việc ở một tổ chức phi chính phủ ở TP. Hồ Chí Minh, khi biết Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai tuyển dụng hướng dẫn viên cộng đồng, Rcom Dam Mơ Ai đã nộp hồ sơ và Ai đạt yêu cầu, được phân công về phụ trách xã Chư Mố, huyện Ia Pa.
25 xã của 5 huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Ia Pa và Mang Yang được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Gia Lai chọn triển khai, mỗi xã có một hướng dẫn viên cộng đồng. Những CF này cùng với Ban Phát triển xã, Ban Quản lý huyện, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ các hộ nghèo theo nội dung 4 hợp phần thực hiện trong 6 năm (từ 2014 đến 2019). Hợp phần 1-tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn, buôn; hợp phần 2-phát triển sinh kế bền vững; hợp phần 3-cơ sở hạ tầng kết nối, nâng cao năng lực và truyền thông; hợp phần 4-quản lý Dự án nhằm đạt được mục tiêu là nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế tại các xã nghèo trong vùng dự án. |
Niềm vui là sau khi học tập, dịp này Ai có cơ hội trở về quê nhà làm việc. Sinh ra và lớn lên ở làng, vì thế, phong tục, tập quán của bà con nơi đây Ai đều hiểu rõ. “Bây giờ chỉ là công việc triển khai như thế nào. Dự án đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo, qua đó những người CF như em hiểu rõ hơn ai hết về mục đích, ý nghĩa và cách giúp người nghèo của dự án. Từ đó, dự án đã giúp em thêm nhiều động lực để hướng dẫn bà con thay đổi phương thức làm và nếp nghĩ trong cuộc sống hàng ngày hiện nay”-Ai tâm sự.
Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Chư Mố đã thành lập thí điểm được 3 mô hình sinh kế ở các thôn: Ama H’Lăk 1 có 20 hộ tham gia mô hình cải tạo vườn tạp, thôn Ơi Briu 1 và 2 thành lập 2 mô hình trồng lúa nước, mỗi thôn 10 hộ tham gia. Những hộ tham gia xây dựng mô hình này đã được triển khai, trước mắt cho hiệu quả. Rcom Dam Mơ Ai cho biết: Triển khai mô hình sinh kế cải tạo vườn tạp ở thôn Ama H’Lăk 1 vì thôn này hầu hết hộ nào cũng có đất vườn nhưng đều để vườn hoang cho cỏ dại mọc. “Khi dự án triển khai, em hướng dẫn bà con trồng rau và chăn nuôi heo. Huyện Ia Pa đang triển khai thí điểm cho các hộ dân trồng 15-20 ha gấc, có doanh nghiệp ở Đak Lak bao tiêu sản phẩm, nên em cũng hướng dẫn bà con ở đây làm giàn trồng gấc để lấy ngắn nuôi dài, có vốn quay vòng. Trước mắt, em sẽ tổ chức tập huấn cho bà con. Đầu tháng 10, dự án rót vốn về sẽ triển khai hướng dẫn bà con cách làm. Hy vọng, sau 6 năm thực hiện bằng phương thức “cầm tay chỉ việc”, chúng tôi tin rằng những hộ nghèo ở đây sẽ biết cách làm ăn, thay đổi nếp nghĩ trong sinh hoạt hàng ngày hiện nay”-Ai nói.
Đinh Thị Yến