(GLO)- Đó chính là những việc mà Câu lạc bộ “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Jrai” xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã và đang làm cho cộng đồng người Jrai tại địa phương, nhất là thế hệ trẻ.
Câu lạc bộ (CLB) “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Jrai” xã Ia Rbol ra mắt vào tháng 2-2021 do chị Ksor H’Nhi-Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thống nhất xã Ia Rbol khởi xướng và thành lập. Chị H’Nhi cho biết: “Trong một lần “lướt dạo” Facebook, mình vô tình thấy trang Fanpage của Hội đồng Anh và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đang tổ chức cuộc thi viết ý tưởng về gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, trong đầu mình chợt nghĩ ngay đến chủ đề gìn giữ văn hóa cồng chiêng của người Jrai. Sau đó, mình viết ý tưởng rồi gửi bài dự thi. May mắn là ý tưởng của mình được Ban tổ chức lựa chọn tài trợ cho việc ra mắt CLB và duy trì sinh hoạt cồng chiêng”.
Ban đầu, chị H’Nhi thấy vui mừng vì ý tưởng của mình được chọn tài trợ, song cũng khá lo lắng bởi thành lập CLB không khó nhưng việc duy trì hoạt động lại không hề dễ dàng. Nhưng với niềm đam mê văn hóa truyền thống và sự đồng tình, ủng hộ của UBND xã, trực tiếp là Đoàn Thanh niên, chị H’Nhi đã chủ động tập hợp già làng, những người biết chỉnh chiêng, đoàn viên, thanh niên biết chơi cồng chiêng, múa xoang tham gia sinh hoạt. Đến nay, CLB có 50 thành viên, trong đó có 30 thành viên nam tham gia chơi cồng chiêng, 20 thành viên nữ múa xoang.
Câu lạc bộ duy trì sinh hoạt vào các ngày cuối tuần, định kỳ 2 lần/tháng, mỗi buổi sinh hoạt từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Cứ đến kỳ sinh hoạt, các thành viên chỉ cần nghe tiếng chiêng dài ngân vang phát ra từ nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn Rưng Ma Nin là ai nấy đều nhanh chóng đến để cùng tập luyện. Trong mỗi buổi sinh hoạt, ông Nay Nhơn quản lý CLB và ông Ksor Tuân phụ trách chỉnh chiêng có nhiệm vụ hướng dẫn, dạy cách chỉnh, chơi chiêng cho các thành viên nam. Đối với việc luyện tập múa xoang, trong số các thành viên nữ sẽ chọn một vài người múa đẹp, thuần thục truyền dạy cho những người còn lại. “Mỗi buổi sinh hoạt không chỉ có các thành viên CLB mà nhiều người già cùng các cháu thiếu nhi ở các buôn cũng đến xem rất đông vui”-ông Nay Nhơn chia sẻ.
Một buổi sinh hoạt của CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Jrai” xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Ảnh: Ksor H’Yuên |
Bên cạnh những thành viên lớn tuổi, giàu kinh nghiệm trong việc chỉnh, chơi chiêng, các thành viên trong độ tuổi thanh niên cũng luôn học hỏi, tiếp thu kiến thức mà thế hệ trước truyền dạy để tự hoàn thiện kỹ năng chơi chiêng, múa xoang của mình ngày càng tốt hơn. Anh Kpă Tơ Grai tâm sự: “Khi tham gia CLB, tôi thực sự rất vui và tự hào vì được học hỏi nhiều điều bổ ích từ các thế hệ cha anh đi trước, nhất là kỹ năng chỉnh, chơi chiêng. Đây là môi trường thuận lợi để thế hệ trẻ như tôi có thêm nhiều hiểu biết về văn hóa dân tộc mình, từ đó tiếp tục phát huy trong đời sống thực tiễn hàng ngày”.
Dù chỉ mới thành lập song CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Jrai” xã Ia Rbol đã đạt được nhiều thành tích trong các hội thi, hội diễn văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh và thị xã. Tiêu biểu như giải ba diễn xướng cồng chiêng trong sự kiện Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất năm 2022; giải nhì diễn xướng cồng chiêng tại Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa lần thứ II-2022...
Theo chị Rcom Bình Nguyên-Bí thư Đoàn xã Ia Rbol, trước đây, mỗi buôn đều có đội cồng chiêng riêng. Tuy nhiên, thành viên trong đội không ổn định nên khó khăn trong việc duy trì tập luyện. Vì vậy, khi CLB “Truyền dạy cồng chiêng dân tộc Jrai” được thành lập đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, nhất là các bạn trẻ. “Đoàn Thanh niên sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các điều kiện cần thiết giúp CLB duy trì luyện tập, tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, từ đó góp phần phát huy bản sắc văn hóa của địa phương”-chị Nguyên nhấn mạnh.
KSOR H' YUÊN