Các DN và chuyên gia lo ngại việc kiểm soát thiếu hiệu quả khiến hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ tràn vào Việt Nam để tiêu thụ với giá rẻ mà còn tìm cách núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước khác.
Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng hàng hoá sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Vietnam”, trong đó tập trung nhóm mặt hàng tiêu dùng, thời trang… để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Nhiều mặt hàng của Việt Nam bị “vạ lây”…
Từ ngày 10-5, sau khi các cuộc đàm phán thương mại không mấy tiến triển, Hoa Kỳ đã chính thức tăng mức thuế từ 10 đến 25% đối với khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh lập kế hoạch tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu còn lại của Mỹ từ Trung Quốc, trị giá hơn 300 tỷ USD.
Các chuyên gia cảnh báo điều này sẽ có tác động mạnh đến kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc và cả toàn cầu. Đáng chú ý, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới với tỉ lệ xuất khẩu chiếm hơn 100% GDP. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Các DN và chuyên gia lo ngại việc kiểm soát thiếu hiệu quả khiến hàng hóa từ Trung Quốc không chỉ tràn vào Việt Nam để tiêu thụ với giá rẻ mà còn tìm cách núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước khác.
Do đó, hàng hóa Việt Nam sẽ phải hứng chịu đòn trừng phạt thuế rất cao của Hoa Kỳ. Một số mặt hàng như thép, gỗ… của Việt Nam đã từng bị “vạ lây” từ hàng Trung Quốc tràn vào núp bóng xuất xứ hàng Việt để né thuế.
PGS. TS. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể thấy rõ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ có rất nhiều hàng hóa, dự án không vào được thị trường Mỹ như trước đây và số này sẽ bị ứ lại. Dĩ nhiên, các DN và Chính phủ Trung Quốc phải tìm cách giải quyết ở các thị trường lân cận; trong đó, có Việt Nam.
Doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại hàng hóa từ Trung Quốc núp bóng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước khác.
Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ giảm. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc theo chiều hướng giảm. Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp, rào cản kỹ thuật trong thương mại. Như vậy có thể dẫn tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.
“Đây là những bất lợi nhưng bên cạnh đó cũng có lợi nếu Việt Nam biết tận dụng lợi thế để có thể cải thiện tình hình. Hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ, sức cạnh tranh sẽ kém đi vì bị đánh thuế. Đây là cơ hội cho tất cả các hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ thuận lợi hơn. Nhưng cũng phải cảnh báo tình trạng, nhiều mặt hàng của Trung Quốc do bị đánh thuế, sẽ tìm cách “núp” dưới xuất xứ của những quốc gia khác như “Made in Vietnam”, để trốn đòn trừng phạt của Mỹ”, ông Phạm Tất Thắng nói.
Doanh nghiệp Việt nên chủ động chuyển hướng
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng, khi xung đột thương mại với Hoa Kỳ tăng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ cố gắng chuyển các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc “khoác áo” các nước thành viên ASEAN. Khi đó, hàng hóa Việt Nam sẽ bị vạ lây, sẽ bị áp thuế cao khi xác minh có gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, dệt may cũng có một số mặt hàng bị Mỹ tăng thuế với Trung Quốc đợt này. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội nếu DN Việt Nam có đủ năng lực để đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ khi Mỹ hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngược lại, thách thức chính là Mỹ đánh thuế cao vào hàng sản xuất tại Trung Quốc thì khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để “lách luật”, tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các DN trong nước.
Trong trường hợp này, các DN Việt Nam không được hưởng lợi nhiều. Bởi hầu hết các DN trong nước chỉ có thế mạnh và kinh nghiệm về khâu may. Hiện nguồn nguyên liệu phục vụ ngành dệt may Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu và một phần lớn nhập từ Trung Quốc.
Như vậy, sẽ có rủi ro nếu phía Mỹ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc. Vì vậy, các DN Việt Nam cần chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ nước này.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân cho biết, việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mới chỉ áp thuế vào các mặt hàng túi xách của Trung Quốc, chưa áp dụng lên mặt hàng da giày.
Hiện nay, với mặt hàng túi xách mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc thì sẽ có lợi cho ngành túi xách Việt Nam, do một số đơn hàng sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Từ đó, tạo ra giá cạnh tranh hơn và đây cũng là một lợi thế cho ngành túi xách tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Các DN nên tận dụng mở thêm mối quan hệ với khách hàng mới, đặc biệt phải thận trọng và cần xem xét kỹ lưỡng từng động thái về chính sách để thích ứng với tình hình thực tế.
Trước diễn biến mới nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường công tác kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất phương hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn mác “Made in Vietnam” Để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố, bộ, ngành tập trung điều tra cơ bản, rà soát, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới và nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hoá tiêu dùng, thời trang… giả mạo xuất xứ, nhãn mác trên địa bàn để có biện pháp quản lý theo đúng quy định của pháp luật. L.Hiệp |
Lưu Hiệp (Công an nhân dân)