Cảnh báo tình trạng trẻ em đuối nước ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mới chớm hè, các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra hàng loạt vụ đuối nước thương tâm, để lại những mất mát không gì bù đắp được cho gia đình các nạn nhân.

Gần đây nhất, chiều 26/4, em V.B.K (SN 2011), học sinh lớp 7, Trường THCS Cao Bá Quát, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (Đắk Nông) cùng nhóm bạn vào tắm tại ao, thuộc rẫy của gia đình bà Nguyễn Thị Dung (thôn 7, xã Đắk Wil). Trong lúc tắm, em V.B.K hụt chân rơi xuống vùng nước sâu dẫn đến tử vong.

Đầu mùa hè, các tỉnh Tây Nguyên liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ đuối nước thương tâm.

Đầu mùa hè, các tỉnh Tây Nguyên liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ đuối nước thương tâm.

Trước đó, khoảng 14h ngày 1/3, tại hồ thủy lợi bon Đắk Rla, xã Đắk NDrót, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cũng đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, làm hai nữ sinh tử vong. Nạn nhân là em L.T.T.T và N.T.H.N (cùng SN 2011, cùng trú tại xã Đắk NDrót), đều là học lớp 7A3, Trường THCS Lê Lợi, xã Đắk NDrót.

Cuối tháng 1/2024, tại xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo (Đắk Lắk) cũng đã xảy ra vụ đuối nước đặc biệt thương tâm khiến 4 nữ sinh lớp 7 và lớp 8 của Trường Tiểu học - THCS Hoàng Hoa Thám tử vong dưới đập nước thôn 7, xã Ea Hiao. Cũng tại Đắk Lắk, ngày 22/4 vừa qua, nhóm học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin trên đường đi học về đã xuống hồ thủy lợi Việt Đức 4 để tắm. Trong lúc vui đùa dưới nước, 3 em học sinh đã trượt xuống vùng nước sâu dẫn tới tử vong.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, được nghỉ học, các em ở lứa tuổi học sinh thường tìm tới ao hồ, sông suối chơi đùa, câu cá và tắm. Nhiều em do không biết bơi, chỉ cần sơ suất, trượt xuống vùng nước sâu, dẫn tới tử vong trong tích tắc. Tại tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Gần đây nhất, trưa 29/4, em L.T.Q.C (SN 2018, ngụ thôn 5, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) trong lúc chơi một mình đã bị rơi xuống hố chứa nước tưới nông nghiệp cách nhà khoảng 300m.

Mới 5 tuổi, không biết bơi, em C tử vong tại chỗ. Sau gần một tiếng chạy khắp chòm trên xóm dưới tìm cháu, chị V.T.D (SN 1981), là mợ của cháu bé phát hiện nạn nhân tử vong dưới hố chứa nước tưới nông nghiệp. Trong lúc mẹ ruột chị D chạy đi báo hàng xóm tới giúp đỡ, chị D vội vã xuống hố nước vớt thi thể cháu lên với hi vọng tìm kiếm được phép mầu. Không ngờ, khi mẹ ruột chị D và hàng xóm chạy tới, chị D cũng đã tử vong dưới hố chứa nước này cùng người cháu gái 5 tuổi.

Trước đó, chiều tối 24/3, em Đ.N.P (SN 2011) và P.T.H (SN 2012), cùng trú tại thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, đã may mắn thoát chết khi bị đuối nước dưới sông Đạ Huoai. Lúc các em sắp bị chìm, đối diện với cái chết, anh KXoàn, Công an viên thôn 1, xã Đạ Oai đang làm việc gần đó phát hiện sự việc, kịp thời tới cứu vớt cả hai lên bờ.

Cùng với hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc, người dân các tỉnh Tây Nguyên thường đào hố để chứa nước tưới cho các loại hoa màu, nhất là cà phê, hồ tiêu… vào mùa khô. Những hố nước này thường rộng khoảng 100m2, sâu chừng 5m. Để nước không bị thẩm thấm xuống lòng đất, gia chủ thường lót nilon xung quanh hố, không có cây cối nào mọc được trên bờ. Không may trượt chân rơi xuống, hầu hết các nạn nhân đều tử vong nếu không biết bơi hoặc kịp thời được phát hiện cứu vớt vì không thể bám víu vào đâu. Nhiều năm qua, những hố chứa nước tưới nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên vô tình đã trở thành cái bẫy chết người. Nạn nhân không chỉ là trẻ em mà cả những người lớn.

Riêng tại tỉnh Lâm Đồng, năm nào cũng có những vụ trẻ nhỏ rơi xuống các hố chứa nước nông nghiệp và tử vong. Có nhiều trường hợp tử vong cùng lúc tới 2 người là anh chị em ruột trong gia đình. Trong khi đó, theo thống kê tại tỉnh Đắk Nông, năm 2023 tỉnh này xảy ra 30 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 55 người, trong đó có 34 trường hợp dưới 16 tuổi. Bốn tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 13 vụ, làm chết 16 người, trong đó có 14 em dưới 16 tuổi. Hầu hết các vụ đuối nước ở Đắk Nông và Lâm Đồng xảy ra ở khu vực nông thôn, nương rẫy, nơi có nhiều ao hồ, sông suối, đặc biệt là hố chứa nước tưới nông nghiệp mùa khô.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, từ đầu mùa khô, nắng nóng, đơn vị đã đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là làm nắp đậy giếng, bể nước, làm rào chắn, biển cảnh báo tại các hồ ao, sông suối, nhất là các hố chứa nước len lỏi trong nương rẫy cà phê, nhà dân, có nguy cơ gây mất an toàn...

Riêng với những hố chứa nước tưới nông nghiệp, các gia đình cần phải nghiêm túc cảnh báo con em mình, đồng thời rào chắn, thả nhiều sợi dây đã cố định một đầu xuống hố nước để khi không may có người trượt chân rơi xuống có chỗ bám víu. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, vận động các gia đình chủ động đưa con em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Đắk Nông, vẫn còn một số cơ quan, tổ chức, hộ gia đình chưa quan tâm đúng mức về công tác phòng chống đuối nước dẫn tới tình trạng lơ là, chủ quan trong việc trông coi, giám sát con em mình, nhất là vào mùa nắng nóng, các em học sinh được nghỉ hè. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ đuối nước, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Đắk Nông đang tích cực phối hợp với Công an các địa phương, trường học, tổ chức đoàn thể, cắm biển cảnh báo, rào chắn, tăng cường dạy học bơi, kỹ năng thoát hiểm dưới nước cho các em học sinh.

Có thể bạn quan tâm