Cẩn trọng với thịt cóc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo quan niệm của nhiều người dân thì thịt cóc có tác dụng bổ tì giúp trẻ tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Chính vì vậy, nhiều gia đình có thói quen sử dụng thịt cóc làm thức ăn. Tuy nhiên, thói quen này tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với sức khỏe. Tại tỉnh ta thời gian qua đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc. 
Ngày 3-11 vừa qua, tại nhà rẫy của bà Đinh Thị Kuéch (làng Tpôn 1, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, Gia Lai) có 2 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc, trong đó có một người đã tử vong. Nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm là 2 anh em sinh đôi Đinh Chang và Đinh Đang (SN 2010, cùng trú tại làng Tpôn 1). Chiều 3-11, trong lúc người lớn đang mải làm việc, do đói bụng, hai anh em đã bắt cóc làm thịt nướng ăn tại nhà rẫy của gia đình. Sau khi ăn, Đinh Chang có các triệu chứng nôn liên tục, đau bụng, chóng mặt và được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kông Chro cấp cứu nhưng tử vong sau đó. Đinh Đang may mắn hơn qua cơn nguy kịch và dần hồi phục nhưng về tâm lý vẫn còn ám ảnh với những chuyện xảy ra. Trước đó, ngày 11-8-2014, trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận một trường hợp tử vong do ăn thịt cóc tại làng Sao (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, Gia Lai).
 Em Đinh Đang (làng Tpôn 1, xã Yang Nam, huyện Kông Chro) phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc sau khi ăn thịt cóc. Ảnh: N.Y
Em Đinh Đang (làng Tpôn 1, xã Yang Nam, huyện Kông Chro) phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc sau khi ăn thịt cóc. Ảnh: N.Y
Biết ăn thịt cóc nguy hiểm nhưng do quan niệm loại thực phẩm này bổ dưỡng, chống còi xương, nhiều gia đình, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ thói quen ăn thịt cóc. Ông Nay Tư-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa) chia sẻ: Người dân tại các làng vẫn còn thói quen ăn thịt cóc. Tại địa bàn từng ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do ăn thịt cóc, may mắn không có tử vong. “Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn thịt cóc vì nguy cơ ngộ độc rất cao. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn chưa từ bỏ được thứ thực phẩm chết người này”-ông Tư nói.
Còn tại xã Ia Hla (huyện Chư Pưh), ông Siu Bor-Trạm trưởng Trạm Y tế xã-cho biết: “Mặc dù chưa xảy ra vụ ngộ độc nào nhưng vì thịt cóc được xếp vào loại thực phẩm dễ gây ngộ độc nên chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vấn đề này đến người dân. Qua tuyên truyền, nhiều hộ biết mối nguy hiểm nên đã từ bỏ không còn ăn thịt cóc”.
Theo Đông y, thịt cóc có tác dụng bổ tì giúp trẻ tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng, giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, thịt cóc nếu không được sơ chế đúng cách có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Thực tế đã có nhiều trường hợp mất mạng do ăn thịt cóc. Bác sĩ Rmah Din (Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi Gia Lai) thông tin: Từng có nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do ăn thịt cóc trong thời gian qua. May mắn là các trường hợp này đều được cấp cứu kịp thời nên không xảy ra tử vong. Độc tố có trong cóc chủ yếu ở phần da, trứng, gan, mật, lòng…
Nhằm nâng cao kiến thức của người dân trong vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức chuyển tải thông điệp cần thiết đến người dân. Để phòng tránh ngộ độc, tốt nhất người dân không nên sử dụng thịt cóc làm thực phẩm. Hiện nay, có nhiều loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt như: thịt gà, tôm, cua, cá... Người dân có thể sử dụng vừa đảm bảo dinh dưỡng lại an toàn cho sức khỏe, tránh nguy cơ ngộ độc xảy ra.
Như Ý

Có thể bạn quan tâm