Cần cuộc "đại phẫu" các dự án nông lâm nghiệp ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phương án xử lý những sai phạm, tồn tại ở các dự án nông lâm nghiệp đã được cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông ban hành từ lâu. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên việc kiểm kê, đo đạc, xử lý các sai phạm, thu hồi các dự án nông lâm nghiệp vẫn chưa đạt kết quả, gây ra những hệ lụy kéo dài. Để chấm dứt vấn nạn mất rừng, xung đột, tranh chấp đất đai và những tồn tại tiêu cực tại các dự án nông - lâm nghiệp, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần sớm có cuộc “đại phẫu”.

Nhiều diện tích đất đai ở các dự án nông lâm nghiệp đã bị lấn chiếm, buôn bán, sang nhượng trái phép. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều diện tích đất đai ở các dự án nông lâm nghiệp đã bị lấn chiếm, buôn bán, sang nhượng trái phép. Ảnh: Phan Tuấn
Bết bát các dự án nông lâm nghiệp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có 41 dự án, doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất, giao rừng để đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Trong tổng diện tích 32.767,3ha thực hiện dự án, có 15.794ha rừng được quy hoạch khoanh nuôi, quản lý bảo vệ.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức con số phá rừng và diện tích đất bị lấn chiếm tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp tại Đắk Nông, nhưng thông qua công tác thanh tra trong từng giai đoạn đã phần nào nhận diện được những bất ổn ở các dự án nông lâm nghiệp.
Cụ thể, ngày 31.10.2019 Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận Thanh tra số 1969/KL-TTCP về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất nông lâm nghiệp tại một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông - đã chỉ rõ, tính đến tháng 5.2018, có trên 6.700ha rừng tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị phá và trên 6.500ha đất bị lấn chiếm. Phần lớn diện tích sau khi lấn chiếm đã bị người dân trồng cây công nghiệp dài ngày.
Mới đây, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông thanh tra 11 dự án nông lâm nghiệp với tổng diện tích thực hiện trên 12.800ha rừng và đất rừng. Kết quả cho thấy, trên 1.200ha rừng bị phá và hơn 3.200ha đất bị lấn chiếm, trên 4.600ha rừng phải khoanh nuôi, bảo vệ…
Đánh giá thực tế, Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định, công tác giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp tại Đắk Nông đã xảy ra vi phạm ngay từ đầu. Tỉnh Đắk Nông đã bóc tách, thu hồi rừng và đất rừng từ các nông, lâm trường để bàn giao cho các đơn vị thực hiện dự án mà thiếu khảo sát hiện trạng.
Do thiếu kiểm tra, rà soát nên các ngành chức năng không nắm chắc được các đối tượng đang sử dụng đất trong diện tích thu hồi để có phương án giải quyết hợp lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp của chủ dự án với người dân.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án. Có 18 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư khi chưa được thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất. Một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 13.000ha rừng chưa thực hiện các thủ tục và ký hợp đồng thuê rừng…
Đã có phương án nhưng khó xử lý
Để giải quyết những tồn tại, vi phạm ở các dự án nông lâm nghiệp, ngày 26.12.2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 2159 về việc phê duyệt phương án giải quyết các tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các dự án giao đất, giao rừng thực hiện không đúng phải điều chỉnh dự án hoặc thu hồi. Các phần đất bị lấn, chiếm trước khi Nhà nước giao cho các doanh nghiệp thì bóc tách, giao về cho các địa phương quản lý theo hướng cho các hộ đang canh tác thuê đất để ổn định sản xuất. Trong trường hợp đất bị lấn, chiếm nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thì người dân phải trồng rừng hoặc sản xuất nông lâm kết hợp để tăng độ che phủ…
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 2/41 dự án nông, lâm nghiệp bị thu hồi. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, việc thu hồi các dự án cần nguồn lực, kinh phí rất lớn để thuê đơn vị tư vấn, đánh giá. Để thu hồi dự án cần rất nhiều thời gian, thực hiện đầy đủ các bước như: Tính toán tài sản đầu tư, yêu cầu bồi thường thiệt hại về rừng, xử lý sai phạm đất đai…
Còn theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Nông, muốn thu hồi dự án thì phải đo đạc lại hiện trạng, xử lý tài sản của doanh nghiệp đầu tư trên đất nếu có. Căn cứ vào kết quả đo đạc, cắm mốc giới cụ thể thì mới thu hồi dự án, bàn giao cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là kinh phí đo đạc, càng chi tiết thì càng tốn kém. Mặt khác, một số dự án đã triển khai đo đạc nhưng chưa được bố trí kinh phí để thành lập bản đồ thu hồi đất.
PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm