Cảm hứng khởi nghiệp từ di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 7 vừa qua, thương hiệu theMay của Vũ Thị Thanh Vân-cựu học sinh Trường THPT Pleiku ra mắt bộ sưu tập trang sức thổ cẩm “Sunshine and Moonlight” lấy cảm hứng từ chất liệu thổ cẩm Bahnar của vùng đất Glar (huyện Đak Đoa). Đây không phải là lần đầu cô gái trẻ người Gia Lai lấy cảm hứng sáng tạo từ thổ cẩm để truyền đi những giá trị đẹp đẽ, nhân văn của di sản thông qua thời trang.
Cảm hứng với thổ cẩm Bahnar
Vũ Thị Thanh Vân sinh ra ở Gia Lai. Thế nhưng, sau 2 năm khởi nghiệp với thương hiệu theMay, ra mắt nhiều bộ sưu tập trang sức gắn với thổ cẩm Việt, Vân mới có bộ sưu tập lấy cảm hứng từ thổ cẩm Bahnar.
“Sau 2 năm hình thành và phát triển sản phẩm gắn liền thổ cẩm Chăm của vùng đất Ninh Thuận, theMay nhận thấy đã đến lúc cần tiếp thêm làn gió văn hóa mới đến với khách hàng. Và vùng đất Glar-làng nghề dệt thổ cẩm Bahnar trên chính quê hương Gia Lai đã truyền cảm hứng cho tôi hiện thực hóa ý nguyện này”-Vân chia sẻ.
Chị Vũ Thị Thanh Vân-người sáng lập thương hiệu theMay (ảnh nhân vật cung cấp).
Chị Vũ Thị Thanh Vân-người sáng lập thương hiệu theMay (ảnh nhân vật cung cấp).
Sau thời gian tìm hiểu, trao đổi ý tưởng, Vân đã cùng với các nghệ nhân ở xã Glar phối màu theo cách hiện đại hơn trên nền hoa văn truyền thống để sáng tạo nên những sản phẩm phù hợp với xu hướng. Họa tiết thổ cẩm Bahnar được nghệ nhân và đội ngũ theMay gửi vào bộ sưu tập mới nhất qua 2 dòng sản phẩm đối lập: Sunshine-tỏa nắng cùng Mặt trời, thiết kế to bản ấn tượng cho những buổi tiệc tùng phong cách; Moonlight-Mặt trăng nhẹ nhàng nhưng không kém phần thanh lịch mỗi ngày.
Vân chia sẻ: “Thay vì giữ lại yếu tố truyền thống của thổ cẩm Bahnar với rất ít màu sắc, chúng tôi sáng tạo trên tinh thần giữ lại giá trị gốc, giữ lại hoa văn, họa tiết nhưng kể câu chuyện văn hóa trên nền màu sắc sặc sỡ hơn để phù hợp với những món phụ kiện”. Vì vậy, có thể thấy, bộ sưu tập trang sức “Sunshine and Moonlight” mang màu sắc rất lạ, rực rỡ, không chỉ là đỏ, đen, trắng, chàm như truyền thống.
Quảng bá văn hóa qua thời trang
Vì sao đang làm việc tại Nhật Bản với mức lương đáng mơ ước với bất kỳ người trẻ nào, Vân lại quyết định hồi hương, mang theo khát vọng đưa những giá trị tuyệt đẹp của thổ cẩm Việt ra thế giới? Vốn là cựu sinh viên Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh, Vũ Thị Thanh Vân đã xuất sắc giành được vị trí thực tập sinh tại Tập đoàn Asahi Kasei khi đang là sinh viên năm cuối. Sau đó, Vân sang Nhật Bản làm chuyên viên Sales và Marketing, phụ trách thị trường Đông Nam Á tại Asahi Kasei.
Vân kể: “Thời gian sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, tôi luôn tự hỏi, văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú như vậy nhưng vị thế của văn hóa Việt đang ở đâu? Vì sao Việt Nam có đến 54 dân tộc, đa dạng về văn hóa nhưng lại rất ít sản phẩm mang nét văn hóa riêng trên thế giới như vậy? Điều đó đã thôi thúc tôi trở về nước và khởi nghiệp với theMay”.
Trang sức theMay từ chất liệu thổ cẩm Bahnar. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trang sức theMay từ chất liệu thổ cẩm Bahnar (ảnh nhân vật cung cấp).
Nhận thấy văn hóa Việt sở hữu nhiều giá trị đặc sắc và tiềm năng phát triển lớn nhưng lại chưa được khai thác triệt để, theMay ra đời chính là hiện thực hóa khát vọng của một người trẻ mang trong mình tinh thần tự tôn và tự hào dân tộc. “Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống trong văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số. Kỹ thuật và hoa văn đặc trưng trên thổ cẩm không chỉ thể hiện sự khéo léo tuyệt vời của người nghệ nhân mà còn chứa đựng niềm tự hào về nền văn hóa của họ. Được thêu dệt từ những chất liệu độc đáo và đặc trưng như vậy, sản phẩm của theMay là hành trình văn hóa đưa bạn cùng đi qua nhiều vùng đất để thêm trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống đa dạng của Việt Nam”-Vân chia sẻ. Đó cũng chính là thông điệp chứa đựng sức mạnh mà Vân muốn truyền lửa cho các làng nghề truyền thống thông qua câu chuyện về thổ cẩm và thời trang.
Tính độc đáo, tính ứng dụng và nhân tố nghệ nhân là ba yếu tố đứng đầu trong tôn chỉ hoạt động của theMay. “Tôi không thích khái niệm “quà lưu niệm” dành cho sản phẩm thổ cẩm. Tôi muốn tạo ra những sản phẩm thực sự hữu dụng để mọi người có thể sử dụng, nhìn thấy hàng ngày, từ đó thêm yêu và trân trọng quà tặng từ quá khứ, từ bề dày văn hóa và lịch sử. Khách hàng mục tiêu là những người yêu văn hóa truyền thống nhưng có thể chưa dành nhiều thời gian tìm hiểu sâu về văn hóa dân tộc. Thông qua thời trang, tôi muốn giúp họ hiểu rồi yêu mến, tự hào, tự tôn với văn hóa dân tộc”-Vân nói.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.