Cà phê nguyên chất Việt: Miền đất hứa cho doanh nghiệp trong nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều doanh nghiệp đang bỏ quên sân nhà khi xuất khẩu cà phê nguyên liệu Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới nhưng vẫn phải nhập thành phẩm từ nước ngoài.
Tổng cục thống kê ghi nhận trong 8 tháng nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn cà phê, trị giá trên 2,5 tỷ USD. Trong đó, Đức là quốc gia nhập khẩu cà phê nguyên liệu nhiều nhất từ Việt Nam với 177.000 tấn, trị giá hơn 300 triệu USD; tiếp sau đó là Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản…
Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất ở một số quốc gia. Điển hình, nửa đầu năm nay, Việt Nam cung cấp cà phê lớn nhất cho Nga với sản lượng tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2017, kéo thị phần cà phê Việt Nam tại Nga lên 49,9%.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê thô.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê thô.
Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta sang Algeria đã đạt 45.845 tấn, kim ngạch đạt 84,6 triệu USD; tăng 29,7% về lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cà phê thô Việt Nam ghi dấu ấn tại nhiều quốc gia với sản lượng xuất khẩu lớn, nhưng tại sân nhà, cà phê nguyên chất mang thương hiệu Việt dường như rất hiếm hoi. Việt Nam đang tăng nhập cà phê từ các thị trường Mỹ, Brazil và Trung Quốc - những thị trường nhập lượng lớn cà phê thô của Việt Nam. Niên vụ 2016/2017, Việt Nam nhập khoảng 1 triệu bao từ các thị trường này, tăng 360.000 bao so với niên vụ trước. Trong đó, 160.000 bao cà phê hòa tan, 340.000 bao cà phê rang và xay, 500.000 bao cà phê hạt (theo Công ty Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam - VIRAC).
Đến năm 2016, 90% nông sản Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác kéo theo kim ngạch cũng không mấy khả quan. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư chế biến, máy móc, công nghệ còn hạn chế.
Thị trường cà phê chế biến trong nước vẫn là miền đất hứa.
Thị trường cà phê chế biến trong nước vẫn là miền đất hứa.
Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trở thành vấn đề nóng. Những tháng đầu năm, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 cơ sở với tổng số tiền phạt là trên 1,6 tỷ đồng. Một số lỗi thường gặp như vi phạm nội dung quảng cáo, chưa đạt chứng nhận theo quy định…
Thực tế buộc người tiêu dùng chú ý hơn đến sức khỏe và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Bằng chứng là ngày càng nhiều sản phẩm organic, nguyên chất hoặc sản phẩm đạt tiêu chuẩn nước ngoài được ưa chuộng. Với cà phê, các chuỗi mang thương hiệu nước ngoài ngày càng hút khách.
Mô hình cà phê rang xay tại chỗ phổ biến hơn với nhiều quy mô. Tuy nhiên, sản phẩm đạt chất lượng và được chứng nhận quốc tế lại không có nhiều.
Điều này một phần nằm ở thói quen canh tác còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; diện tích cà phê già cỗi lớn. Đa phần người dân thu hoạch đại trà để tiết kiệm thời gian và chi phí thuê nhân công khiến chất lượng cà không đồng đều. Ngoài ra, khâu chế biến cũng chưa được chú trọng, sân đất lót bạt hay sân xi măng được sử dụng phổ biến để phơi khiến cà phê thành phẩm nhiều tạp chất.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch hội đồng quản trị Phúc Sinh Group - công ty xuất khẩu, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn châu Âu, cho biết chính việc người trồng cà phê không coi trọng phát triển bền vững dẫn đến tình trạng chất lượng cà phê Việt chưa cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa đặt nặng đầu tư cho nông dân.
Ông Thông cho biết thêm, nếu doanh nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân trồng cà phê bền vững, chú trọng đầu tư máy móc thì thị trường cà phê trong nước vẫn chứa tiềm năng rất lớn, nhất là khi sức khỏe đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Cơ cấu kinh tế đang dần chuyển dịch tạo ra những thay đổi và triển vọng phát triển cho nhiều doanh nghiệp. Báo cáo từ Tổng cục thống kê cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo đang có những bước tiến nổi bật. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,02% (cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp 2,63 điểm phần trăm.
Là thức uống phổ biến và ngày càng được yêu thích tại Việt Nam, cùng với việc vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nóng thì cà phê nguyên chất, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, được kiểm định nghiêm ngặt sẽ thu hút người dùng. Đặc biệt, khi công nghiệp chế biến đang được quan tâm nhưng vẫn chưa chiếm tỷ trọng cao, sản xuất cà phê nguyên chất sẽ là miền đất hứa, chứa đựng nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.
Giang Di Linh (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay đạt 851 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai cho rằng đã có chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.

Hiệu quả từ những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy”

Hiệu quả từ những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy”

(GLO)- Bên cạnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Công ty Thủy điện Ialy còn đề xuất hàng chục giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy” đã góp phần đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.