Bữa ăn trưa của các em học sinh ở điểm trường Kon Du, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có lá mì, cá suối và con nhộng đất. Những món ăn nghèo khó do chính cha mẹ hoặc các em tìm kiếm được trong rừng, đưa về nấu để mang theo đến trường.
|
Cô giáo thêm món cá khô cho các em học sinh ở điểm trường Kon Du. Ảnh: T.T |
Điểm trường Kon Du cách Trung tâm huyện Kon Plông chừng 7 cây số, qua nhiều đèo dốc ngoằn ngoèo. Trong thời tiết rét lạnh, 12h trưa, sau tiếng trống tan trường, 72 em học sinh ở điểm trường ùa ra khỏi lớp như ong vỡ tổ.
|
Bữa cơm trưa vội vã trải ra trên chiếu của hàng chục em học sinh ở điểm trường Kon Du. Ảnh: T.T |
Các em trải manh chiếu ra giữa hành lang của lớp học thay vì ngồi vào bàn ăn, sau đó lấy trong cặp các hộp cơm mang theo đã nguội lạnh. Những gương mặt trẻ thơ đen nhẻm, mắt tròn to cảm thấy bụng đói sau nhiều giờ học bài trên lớp.
Y Liu (7 tuổi, học lớp 2) và chị gái ruột là Y Liên (10 tuổi, học lớp 5) bẽn lẽn mở hộp cơm trắng, phía bên trong chỉ có một khay đựng thức ăn. Không phải cá, thịt hay rau luộc ngon lành mà là những con nhộng đất màu trắng, nhợt nhạt. Món nhộng đất này do cha mẹ của Liu và Liên đào bới, tìm kiếm được đâu đó trên nương rẫy, trong rừng. Bữa trưa ở trường của hai chị em vẫn quen thuộc với món nhộng đất với cơm trắng.
|
Cơm trắng với con nhộng đất của 2 chị em Liu và Liên. Ảnh: T.T |
Cô Phan Thị Hoa – Giáo viên ở điểm trường Kon Du cho biết, nhà hai chị em Y Liu, Y Liên thuộc diện khó khăn, cách điểm trường hơn 4 cây số. Mới đây, khi bị ngắt chế độ dành cho học sinh bán trú, phụ huynh học sinh muốn cho con ở nhà vì không có đủ gạo nuôi con. Thương hai em, cô Hoa lội suối, băng rừng tìm đến nhà động viên, hứa sẽ nấu đồ ăn trưa cho các em ở lại học.
Cũng như nhiều giáo viên khác, cô Hoa đã giữ lời hứa của mình, món ăn trưa duy nhất của các cô phụ giúp cho học sinh thân yêu là món cá khô kho lạt với nước mắm, một món ít tiền và dễ nấu. Thấy học sinh nào thiếu thức ăn, cô dùng từng thìa nhỏ phân chia cá khô vào cơm. Em nào ốm yếu, biếng ăn thì cô hào phóng cho nhiều cá khô thêm.
|
Việc đưa các em trở lại trường sau khi ngắt chế độ bán trú gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.T |
“Sau khi bị ngắt chế độ bán trú, các thầy cô giáo quyên góp 10.000 đồng/tháng vào Quỹ khuyến học, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền mua thức ăn trưa cho các cháu, với hy vọng các cháu đến trường đầy đủ”, cô Hoa cho biết.
Thầy Trần Thông – Hiệu trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết, Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 7.1.2021 của UBND tỉnh Kon Tum về công nhận xã Măng Cành đạt chuẩn nông thôn mới thì các chế độ liên quan đến việc hỗ trợ học sinh trên địa bàn theo Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ không còn hiệu lực. Điều này gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng lớn đến việc vận động học sinh ra lớp.
“Bởi vì 100% học sinh của nhà trường là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ các em chủ yếu làm nương rẫy mang tính tự cung tự cấp, kinh tế vô cùng khó khăn. Hơn thế nữa, các em nhà ở cách xa trường từ 7 -17 km, nguy cơ bỏ học rất cao. Nhà trường vận động các mạnh thường quân, rồi các thầy cô cũng đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, khó có thể đủ để níu chân các em ở lại trường”, thầy Thông buồn bã nói.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông, năm học 2021-2022, toàn huyện có gần 1.000 em học sinh bị ngắt chế độ bán trú. Đơn vị đang gửi tờ trình lên UBND huyện, tỉnh đề xuất xin kinh phí hỗ trợ cho các cháu, để giữ vững sĩ số lớp học.
THANH TUẤN (LĐO)