Bông hoa Nhật trên đất Mang Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Morita Yuko được đồng bào Bahnar ở Mang Yang (Gia Lai) trìu mến gọi bằng cái tên “hoa anh đào”. Đến, sống và làm việc tại huyện Mang Yang hơn 1 năm, Yuko đã yêu mảnh đất “cổng trời” này lúc nào chẳng rõ…

Sống là đi…

Morita Yuko. Ảnh: Hồng Sơn
Morita Yuko. Ảnh: Hồng Sơn

Thoáng gặp, ít ai nhận ra Morita Yuko là cô gái Nhật. Gương mặt hiền hậu, tính tình cởi mở, Yuko tiếp chuyện mở đầu bằng Tiếng Việt: “Xin chào. Mình là chuyên gia của tổ chức JICA đang làm việc tại Mang Yang. Đây là lần thứ hai Yuko đến Việt Nam tham gia chương trình “Cố vấn phát triển cộng đồng”. Lần đầu vào năm 2006, làm việc tại tỉnh Bắc Giang, còn bây giờ là huyện Mang Yang”.

Yuko tỏ ra thích thú với công việc nơi vùng đất mới. Tây Nguyên rất lạ, con người, phong cảnh, phong tục tập quán… rất đặc sắc, không nơi nào có được. Yuko cảm thấy hạnh phúc khi đến đây để giúp đỡ đồng bào thoát nghèo. Cô bày tỏ: “Đồng bào rất  tốt, tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn yêu đời, lạc quan. Bằng sự thân thiện, những món quà nho nhỏ, cái bắt tay, lời thăm hỏi bà con khiến cho Yuko không còn cảm thấy xa lạ khi tới đây”.

Yuko cho biết: “Trước khi sang Việt Nam, Yuko có ba tháng học tiếng Việt tại Nhật và một tháng tại Việt Nam. Cô cảm thấy hài lòng khi được sống theo đúng sở thích, ước mơ, tâm nguyện đó là đến nơi cần được sẻ chia, giúp đỡ. Cô cho rằng, sống là cho, và cho đi cũng là nhận lại”.

Mang niềm vui đến người nghèo

Morita Yuko luôn thân thiện với dân làng. Ảnh: Hồng Sơn
Morita Yuko luôn thân thiện với dân làng. Ảnh: Hồng Sơn

Trong vai trò chuyên gia dự án JICA “Cố vấn phát triển cộng đồng” triển khai thí điểm ở 2 xã Lơ Pang và Kon Thụp- huyện Mang Yang), gần 1 năm qua, đầu đội nón lá, đều đặn mỗi tuần 2 lần, dù nắng gió hay mưa bão, Yuko cùng các cộng sự lặn lội xuống từng thôn, làng, vào tận nhà dân trao đổi, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, phương thức canh tác. Với mục tiêu dài lâu, bền vững, Yuko cho biết: “Năm 2010, cô sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu hướng cải thiện cách thức sinh hoạt, kế hoạch phát triển kinh tế cho từng cụm dân cư. Cụ thể là tập trung triển khai xây dựng nhà vệ sinh đúng quy cách, sử dụng nước sạch; trồng và chăm sóc cây trồng để có năng suất cao… Già làng Boih- làng Đak Ponan, xã Kon Thụp hy vọng với sự giúp đỡ của dự án, của những người như Yuko, cuộc sống dân làng sẽ mau chóng thay đổi.

JICA là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency), là cơ quan điều phối với nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tại Mang Yang, JICA hỗ trợ tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên: Xúc tiến tăng trưởng, cải thiện điều kiện sống xã hội và xây dựng cơ chế. Chương trình được triển khai trong 5 năm (2009-2014).

Cùng là thành viên JICA, tham gia từ những ngày đầu thành lập, ông Phạm Ngọc Cơ- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang chia sẻ: “Yuko và các cộng tác viên của JICA rất tận tình, khéo léo, bám sát đời sống đồng bào, tư vấn, giải thích giúp mọi người hiểu tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất, xóa đói giảm nghèo…

Giờ đây, hình ảnh cô gái Nhật đã trở nên gần gũi với mọi người, Yuko cho biết: Tết Nhật có nhiều điểm giống Việt Nam. Mọi người trang trí nhà cửa, đi lễ chùa cầu may… Năm nay, Yuko sẽ ở lại Mang Yang đón Tết với đồng bào yêu thương đã coi Yuko như người thân trong gia đình… Mang Yang sẽ là nhà, bà con Bahnar là gia đình, người thân của Yuko trong những ngày Tết cổ truyền vui vẻ, ấm cúng.

Hồng Sơn



Có thể bạn quan tâm