Trong chương trình Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng vừa qua, hội đàm cấp cao Nga-Việt giữ một trong những vị trí then chốt.
Tạp chí Đời sống quốc tế đã có bài nhận định về những nhân tố chính tạo nên vị thế Việt Nam trong chính sách của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Phóng viên tại Nga dẫn bài báo cho biết nhân tố thứ nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế gia tăng của Việt Nam khiến cho đất nước này càng hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam đang đứng trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người.
Từ năm 2000 đến 2016, tăng trưởng GPD của Việt Nam đạt 229%. Trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC chỉ có Trung Quốc vượt được Việt Nam ở chỉ số này.
Nhân tố thứ hai là quan hệ kinh tế-thương mại và chính trị-quân sự giữa hai nước từ giữa thế kỷ 20 đến nay, hiện đang tiếp tục được duy trì và củng cố.
Bài báo nhắc tới cuộc hội đàm bên lề APEC 2017 tại Đà Nẵng giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống V.Putin, trong đó nhà lãnh đạo Nga khẳng định hợp tác song phương giữa Nga và Việt Nam đang phát triển trên cơ sở nguyên tắc đối tác chiến lược toàn diện.
Một trong những lĩnh vực hợp tác được hai nước đề cập trong dịp này là bảo đảm an ninh thông tin quốc tế, với việc hai nhà lãnh đạo ra Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp hành động giữa Nga và Việt Nam trong khuôn khổ Liên hợp quốc, cụ thể là trên diễn đàn Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về các vấn đề quốc tế hóa quản lý mạng thông tin viễn thông Internet, bao gồm bảo đảm quyền bình đẳng của các quốc gia tham gia vào quá trình quản lý mạng Internet và tăng cường vai trò của Liên minh Viễn thông quốc tế trong bối cảnh này.
Năng lượng cũng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng nữa giữa Hà Nội và Moskva.
Hiện tại Tập đoàn Gazprom Nga đang đàm phán xây dựng tại Việt Nam các trạm khí hóa, cũng như cung cấp khí đốt hóa lỏng cho Việt Nam.
Nhân tố thứ ba xuất phát từ vị trí của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đang ngày càng tăng mạnh vị thế trong những ưu tiên đối ngoại của Nga.
Trong bài báo “Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng: Cùng nhau phát triển hài hòa và thịnh vượng,” Tổng thống V.Putin đã viết: “Nga ủng hộ sáng kiến xây dựng khu vực thương mại tự do (FTA) châu Á-Thái Bình Dương. Nga nhìn thấy ở đây lợi ích thực tiễn, cơ hội củng cố vị thế của mình trên thị trường đang phát triển vũ bão của khu vực.”
Theo bài viết, trong 5 năm gần đây, thị phần của các nền kinh tế APEC trong kinh tế Nga đã tăng từ 23% lên 31% trong khi xuất khẩu tăng từ 17% lên 24%. Và Nga không dự định dừng lại ở các con số này. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ký FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Nga là thành viên chủ chốt.
Nhân tố thứ tư liên quan khả năng của APEC “lắp ráp” vào hệ thống các tiến trình chính trị và kinh tế chung ở châu Á-Thái Bình Dương. Các tiến trình này đang trải qua giai đoạn “tái định dạng” sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo bài viết trên báo Nga, chính việc Mỹ rút khỏi TPP lại đóng vai trò chất xúc tác thúc đẩy hợp tác tích cực hơn trong TPP, điển hình là việc bộ trưởng thương mại 11 thành viên còn lại trong TPP ký kết thỏa thuận nền tảng về hợp tác, nhất trí với tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Báo Nga nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc đạt được thỏa thuận mới này tại hội nghị APEC 2017 vừa qua.
Tờ Đời sống quốc tế kết luận tình hình trên khiến cho phát triển quan hệ kinh tế-thương mại với Việt Nam trở thành một ưu tiên đối với Nga, trong bối cảnh Việt Nam cũng quan tâm củng cố hợp tác với EAEU.
Theo TTXVN