Bỏ tiền tỷ làm thủy lợi giúp dân trồng lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong lần về huyện Phú Thiện mới đây, tôi được anh Đinh Văn Vịnh-Bí thư Đoàn xã Ia Sol dẫn đi tham quan mô hình công trình thủy lợi của anh Phạm Văn Bình (ở thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol). Công trình này kể từ khi xây dựng và đưa vào sử dụng đã giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Phạm Văn Bình sinh năm 1983 tại tỉnh Ninh Bình. Năm 1987, theo chủ trương đi xây dựng kinh tế mới của Đảng, gia đình anh xung phong vào Tây Nguyên lập nghiệp và vùng đất Phú Thiện trở thành quê hương thứ 2 của Bình. Sau khi tốt nghiệp THPT, do gia đình khó khăn nên Bình không tiếp tục theo đuổi con đường học vấn mà ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Khi công trình thủy lợi Ayun Hạ hoàn thành dẫn nước về tưới lúa cho nhân dân trong vùng, đời sống của đa số bà con được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thôn Thắng Lợi 1 của Bình ở cách xa kênh dẫn nước nên bà con ở đây vẫn chỉ canh tác được mỗi năm một vụ lúa. Vì vậy, đời sống của bà con khổ vẫn hoàn khổ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Anh Phạm Văn Bình bên chiếc máy bơm nước. Ảnh: H.Đ.T
Anh Phạm Văn Bình bên chiếc máy bơm nước. Ảnh: H.Đ.T

Nhìn thấy tiềm năng đất đai của bà con trong thôn còn nhiều nhưng đời sống vẫn khổ do thiếu nước tưới, Bình trăn trở mãi với suy nghĩ làm thế nào để dẫn được nước thủy lợi về tưới cho cánh đồng thôn Thắng Lợi 1. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Bình đi gặp gỡ và tham khảo ý kiến của bà con trong thôn. Được sự đồng lòng của bà con, Bình liền lên UBND xã xin chủ trương và làm việc với Ban Quản lý Công trình Thủy lợi Ayun Hạ. Khi được UBND xã chấp thuận và tạo điều kiện, năm 2012, Bình mạnh dạn thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng và vay của bà con, anh em trong nhà tổng cộng 1,3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kênh dẫn nước thủy lợi về tưới lúa trong vùng.

Công trình thủy lợi của anh Bình gồm một hồ chứa nước 3.500 m2, 2,5 km kênh mương (trong đó có 1 km kênh mương bê tông để dẫn nước từ kênh chính vào hồ chứa), hệ thống điện 3 pha và một máy bơm nước công suất 700 m3/giờ. Khi công trình thủy lợi hoàn thành, bà con trong vùng rất vui. Lúc ấy, trong thôn chỉ có 25 ha lúa 1 vụ. Sau khi có nước, bà con cải tạo lại đất trồng thêm một vụ lúa nữa và trồng thêm hoa màu. Từ chỗ thu nhập từ trồng lúa mỗi năm chỉ đạt khoảng 700-800 triệu đồng, khi có nước thủy lợi về, bà con thôn Thắng Lợi 1 tăng vụ nên mỗi năm doanh thu tăng lên hơn 2 tỷ đồng. Hiện nay, bà con đã khai hoang thêm được 10 ha, nâng tổng diện tích lúa trong thôn lên 35 ha. Ông Ma Hà (thôn Thắng Lợi 1) vui vẻ cho biết: Nhờ có công trình thủy lợi của anh Bình mà cuộc sống của gia đình mình đã thay đổi. Mình đã làm được 2 vụ lúa mỗi năm, ngoài ra còn trồng thêm hoa màu, giờ mình hết khó khăn rồi, bà con trong thôn vui lắm.

Theo tính toán của anh Bình và sự thống nhất của bà con có diện tích lúa sử dụng nước tưới từ công trình thủy lợi của anh thì trong 1 năm, mỗi ha lúa sau khi thu hoạch anh Bình thu 1 tấn lúa, trị giá 5 triệu đồng. Số tiền thu được, anh Bình dùng trả tiền điện bơm nước tưới hàng tháng, tu sửa kênh mương, trả lãi ngân hàng và trả dần tiền vay mượn. Với suy nghĩ và cách làm hiệu quả, anh Phạm Văn Bình đã tạo điều kiện cho bà con thôn Thắng Lợi 1 phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.