Bỏ nghề may mặc về quê nuôi thỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tốt nghiệp THPT năm 2016, anh Phạm Tấn Thương (25 tuổi, ở thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, H.Phú Ninh, Quảng Nam) xin vào làm tại một công ty may mặc.
Tình cờ thời gian này anh được một đồng nghiệp giới thiệu mô hình nuôi thỏ. Qua tìm hiểu, 3 năm sau Thương nghỉ việc để về quê khởi nghiệp bằng mô hình này. Anh mua cặp thỏ giống về nuôi thử nghiệm. Thỏ lớn nhanh, đẻ nhiều nên anh tiếp tục đặt mua thêm 10 cặp thỏ giống. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nuôi số lượng lớn, anh đã gặp thất bại. Không nản lòng, anh xem đó là bước đệm để… làm lại.
 
Anh Phạm Tấn Thương bên những chuồng thỏ. Ảnh: Mạnh Cường
Anh Phạm Tấn Thương bên những chuồng thỏ. Ảnh: Mạnh Cường
Thương tìm đến các trang trại nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu thêm sách báo. Khi đã trang bị đủ vốn liếng và kiến thức nuôi thỏ, Thương vay mượn tiền mua thỏ giống. Hiện nay trại nuôi thỏ khép kín rộng khoảng 350 m2 của anh đang nuôi hơn 1.000 con thỏ lớn nhỏ.
Theo anh Thương, giống thỏ New Zealand phát triển rất nhanh, bình quân mỗi năm đẻ khoảng 6 - 7 lứa (mỗi lứa 8 - 10 con). Để thỏ phát triển tốt, anh phân loại thỏ thương phẩm, thỏ giống để nuôi nhốt riêng trong từng ô lồng, vừa để thỏ không cắn nhau vừa dễ vỗ béo. Lồng nuôi thỏ cũng khá đơn giản, có thể làm bằng tre, gỗ, sắt...
“Nuôi thỏ không quá khó, nhưng nuôi với số lượng lớn mà vẫn ngăn được dịch bệnh thì lại là chuyện khác. Để thỏ phát triển nhanh và mạnh khỏe, chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Đặc biệt, phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của chúng để kịp thời phòng chống các dịch bệnh, nhất là bệnh tụ huyết trùng”, anh chia sẻ.
Thỏ là động vật ăn tạp, thức ăn chủ yếu là cây cỏ, lá, mía, các loại rau củ quả… Để tiết kiệm chi phí, đồng thời cho thịt thỏ thơm ngon, Thương tận dụng đất bỏ hoang trong vườn để trồng chuối, cỏ làm thức ăn cho chúng. Lấy ngắn nuôi dài, mỗi tháng anh xuất bán ra thị trường khoảng 3 tạ thịt thỏ và 100 cặp thỏ giống với giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg thịt; thỏ giống 200.000 đồng/cặp. Sau khi trừ chi phí, anh thu về khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, phân thỏ cũng được anh tận dụng bán cho các trại nuôi trùn quế để tăng thêm nguồn thu.
Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh chủ động kết nối với các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh và cung cấp thỏ giống cho các vùng lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Bình, Gia Lai. Thời gian tới, Thương sẽ liên kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ có ý định nuôi thỏ giống như anh.
Theo Mạnh Cường (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.