Bộ Công Thương vừa trình lại Đề án Quy hoạch Điện VIII, sau thời gian được yêu cầu giải trình. Bộ này kiến nghị Thường trực Chính phủ thông qua 6 vấn đề của Đề án Quy hoạch Điện VIII.
Bộ Công Thương vừa trình lại Đề án Quy hoạch điện VIII, sau thời gian được yêu cầu giải trình. Ảnh minh hoạ: V.T |
Cụ thể, về việc không đưa vào các dự án điện than, điện khí (14.120 MW nhiệt điện than, 1.500 MW nhiệt điện khí), Bộ Công Thương giải trình, đã báo báo cáo rõ tại văn bản số 412 (ngày 22.7.2022), phù hợp với đề nghị của các địa phương, kiến nghị của các chủ đầu tư. Do đó, không có rủi ro về mặt pháp lý.
Một số chi phí của các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước đã bỏ ra để khảo sát, chuẩn bị đầu tư dự án, các tập đoàn có trách nhiệm xử lý theo quy định.
Về vấn đề điện mặt trời, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án, hoặc phần dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư, nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW.
Việc đẩy lùi các dự án này ra sau năm 2030, theo Bộ Công Thương có thể gặp phải những vấn đề về an ninh trật tự xã hội, rủi ro về mặt pháp lý và kinh phí đền bù cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các dự án này cần phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Đồng thời, tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.
Sau này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công Thương đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.
Với các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai trong tương lai sẽ áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như nêu để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý với các dự án.
Còn các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, Bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo để có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại Hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư.
Đồng thời có quyết định bãi bỏ các Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Quyết định số 37 và Quyết định số 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.
Về Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp rà soát, có ý kiến về thẩm quyền ban hành thí điểm cơ chế này để có cơ sở triển khai và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ xem xét thông qua cơ cấu nguồn đến năm 2030. Cụ thể, tổng công suất các nhà máy điện (đã tính thêm hơn 2.000 MW điện mặt trời) khoảng 120.995-148.358 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).
Theo Cường Ngô (LĐO)