(GLO)- Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù nguồn nhân lực còn hạn chế nhưng Gia Lai vẫn dành sự hỗ trợ nhu yếu phẩm, thiết bị, đồng thời cử 2 đoàn công tác lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch.
Mệnh lệnh từ trái tim
Trò chuyện cùng chúng tôi, điều dưỡng viên Phạm Thị Hiền (Trung tâm Y tế huyện Kbang) cho hay: “Trước khi đi, tôi có tìm hiểu về tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh nên rất lo lắng. Vì thời điểm đó, thành phố có hàng ngàn ca mắc, hàng chục ca tử vong mỗi ngày. Nhưng rồi vượt lên nỗi sợ hãi và bằng trách nhiệm của người thầy thuốc, tôi quyết tâm lên đường. Tôi nghĩ lúc này người bệnh cần được cứu chữa, mình không ra tay thì ai sẽ làm. Xác định rõ mục đích như vậy nên chúng tôi động viên nhau làm việc, vượt qua mọi sợ hãi”.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà đoàn công tác tỉnh Gia Lai hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Như Nguyện |
Đoàn y-bác sĩ Gia Lai hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch có 21 thành viên do bác sĩ Phạm Văn Tuyến (Trung tâm Y tế thị xã An Khê) làm trưởng đoàn đã có mặt tại trụ sở UBND quận Tân Phú vào 7 giờ ngày 30-8-2021. Tại đây, các thành viên trong đoàn chia thành 4 nhóm và nhận nhiệm vụ khám cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân gồm: Khu cách ly 122 Hòa Bình (phường Tân Thới Hòa) quy mô 300 giường với 30 giường cấp cứu; Khu cách ly 213 Lê Trọng Tấn (phường Sơn Kỳ) với quy mô 120 giường; Trạm Y tế lưu động phường Tân Thành và Trạm Y tế lưu động phường Phú Trung.
Cùng với 10 thành viên trong đoàn, chị Phạm Thị Hiền nhận nhiệm vụ tại Khu cách ly 122 Hòa Bình. “Khi chứng kiến thực tế mới thấy hết sự khốc liệt của đại dịch. Tại đây, hàng trăm bệnh nhân đang điều trị. Vượt qua bỡ ngỡ lúc đầu, chúng tôi nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Cường độ và áp lực cao, một ca trực kéo dài 12 giờ, chỉ nghỉ khoảng 6 giờ, thậm chí có lúc không kịp hồi sức. Công việc nhiều, bệnh nhân đông, nhân lực mỏng buộc chúng tôi phải nỗ lực hết mình để chăm sóc người bệnh. Trùng hợp hy hữu là trong số bệnh nhân này có cả gia đình em gái tôi (4 người) đều mắc Covid-19 và được chuyển vào đây điều trị. Đó là cuộc hội ngộ khó quên nhất của tôi trong 59 ngày chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh”-chị Hiền chia sẻ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh động viên đội ngũ y-bác sĩ trước khi lên đường vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Như Nguyện |
Nhận nhiệm vụ phụ trách cấp cứu cho bệnh nhân quận Tân Phú, bác sĩ Phạm Văn Tuyến và các đồng nghiệp chia 3 kíp trực, mỗi kíp trực 12 giờ gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. “Thời tiết Sài Gòn nóng bức ngột ngạt, khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, sau mỗi kíp trực ai cũng mồ hôi nhễ nhại, khẩu trang in hằn trên mặt. Tuy vậy, ngay cả trong thời gian nghỉ khi đồng đội cần hỗ trợ, chúng tôi lập tức có mặt. Vào đây chống dịch, tôi và mọi người xác định ngay từ đầu có thể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, thường trực nguy cơ lây nhiễm chéo. Nhưng công việc cuốn vào nên chúng tôi không còn thời gian để suy nghĩ về điều đó. Đoàn Gia Lai tuy số lượng ít nhưng tinh thần trách nhiệm cao, tích cực học hỏi nên được tin tưởng giao nhiệm vụ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân. Trong 59 ngày chống dịch tại đây, chúng tôi đã khám cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời cho bệnh nhân nặng và chỉ ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Trong quá trình làm nhiệm vụ, 6 thành viên trong đoàn đã bị lây nhiễm chéo”-bác sĩ Tuyến thông tin.
Chung tay vì sức khỏe cộng đồng
Các y-bác sĩ Gia Lai thăm khám cho bệnh nhân tại khu cách ly 122 Hòa Bình, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh (ảnh đoàn công tác cung cấp). |
Với tỉnh Bình Dương, nhân lực y tế của Gia Lai tham gia phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 gồm 18 người. Đoàn có mặt tại Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát và nhận nhiệm vụ ngay trong ngày 17-9. Bác sĩ Nguyễn Minh Hiền (Bệnh viện Nhi Gia Lai) nhớ lại: Đoàn được điều động hỗ trợ điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 có quy mô khoảng 3.000 giường ở phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận từ 120 đến 150 bệnh nhân. Mọi người đều đã được tập huấn, đào tạo kỹ năng trước khi lên đường nên bắt nhịp công việc nhanh chóng, ai cũng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau 41 ngày giúp tỉnh Bình Dương chống dịch, đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần nhỏ bé giúp địa phương này kiểm soát dịch bệnh. Chỉ có 1 trường hợp bị lây nhiễm chéo đó là điều dưỡng viên Đàm Xuân Lực (Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện).
Nói về trường hợp bị lây nhiễm của mình, anh Lực tâm sự: “Khi biết mình dương tính với SARS-CoV-2, tôi rất lo lắng. Tuy nhiên, qua thời gian điều trị, tôi đã âm tính và tiếp tục sát cánh cùng các đồng nghiệp làm nhiệm vụ”.
Xung phong vào tuyến đầu chống dịch, các y-bác sĩ chấp nhận đối mặt với những hiểm nguy, áp lực thường nhật, làm việc xuyên ngày trắng đêm, ăn không đúng bữa, ngủ không tròn giấc và trên hết phải nén lại tình cảm ruột thịt riêng tư để tập trung cho cuộc chiến cam go này. Bên cạnh tổ chức, gia đình luôn là hậu phương vững chắc, kịp thời động viên, sẻ chia đã giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngày 28-10, 2 đoàn y-bác sĩ hỗ trợ tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh chống dịch trở về thắng lợi và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định. Ngày 11-11, các thành viên hoàn thành cách ly tập trung và tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày. Trở về sau những ngày tiếp sức cho miền Nam chống dịch, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp tại tỉnh, các y-bác sĩ lại sẵn sàng bước vào một cuộc chiến mới. Bác sĩ Phạm Văn Tuyến chia sẻ: “Sau thời gian chi viện cho TP. Hồ Chí Minh, tôi và các đồng nghiệp đã có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá và luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ để sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, vì sức khỏe cộng đồng”.
Điều dưỡng viên Phạm Thị Hiền (bên phải) và đồng nghiệp luôn quyết tâm cao khi vào ca trực (ảnh nhân vật cung cấp). |
NHƯ NGUYỆN