Biến đá cuội thành dụng cụ dạy học trực quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi năm một lần, Trường Mầm non Hương Sen (thôn 1, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) lại phát động phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học. Dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo, những viên đá cuội vô tri đã trở thành những dụng cụ dạy học trực quan đầy màu sắc.

1hh.jpg
Mô hình Quần đảo Trường Sa được các cô giáo lồng ghép vào những buổi học khám phá khoa học, thiên nhiên cho trẻ. Ảnh: H.H

Góc sân Trường Mầm non Hương Sen mỗi giờ ra chơi lại trở nên đông vui và nổi bật hơn bao giờ hết nhờ 2 mô hình bằng đá cuội với chủ đề: Nông trại vui vẻ và Quần đảo Trường Sa.

Cô Trần Thị Nga-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Ý tưởng biến đá cuội, sỏi thành dụng cụ dạy học, phục vụ các hoạt động trải nghiệm, khám phá cho trẻ được các giáo viên đề xuất và thảo luận từ những ngày đầu phát động phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học của nhà trường. Xét thấy ý tưởng này có tính thực tế cao nên Ban Giám hiệu đã thống nhất để các cô triển khai.

Hai mô hình sử dụng hơn 2 tấn đá cuội được giáo viên tìm mua từ các cơ sở chuyên cung cấp đá hòn non bộ và vật liệu xây dựng. Các viên đá được lựa chọn đều phải tròn trịa đảm bảo an toàn cho các bé vui chơi. Màu vẽ cũng được các cô lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo độ bền theo thời gian và phù hợp với chất liệu đá sỏi.

4hh.jpg
Khối đá cuội được lựa chọn làm trang trí phải đảm bảo có mặt phẳng lớn để các nét vẽ được đẹp nhất. Ảnh: Hoàng Hoài

Tranh thủ thi công vào những giờ nghỉ trưa và ngày cuối tuần, sau 10 ngày, các cô giáo đã biến những viên đá cuội xù xì, thô ráp thành những tác phẩm, dụng cụ dạy học độc đáo như: bông hoa, các loài động vật, chữ cái, chữ số...

Không chỉ là những hình vẽ đơn thuần, mỗi viên đá đều liên quan đến các hình ảnh quen thuộc hàng ngày hay gắn liền với câu chuyện cổ tích để trẻ vừa học, vừa khám phá thế giới động vật. Trong đó, mô hình Quần đảo Trường Sa được nhà trường lồng ghép thêm hình ảnh người lính hải quân để giúp trẻ nhận diện và thêm yêu quê hương, yêu biển đảo.

Cô Vũ Thị Thanh Hoa-Tổ trưởng Tổ chuyên môn Trường Mầm non Hương Sen-chia sẻ: Việc làm đồ chơi tự tạo này sẽ giúp cho trẻ gần gũi với môi trường thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường. Trên lớp, các cô cũng thường xuyên cho trẻ trổ tài làm những vật dụng từ giấy bìa, tăm bông, lá cây... giúp các bé phát huy tính khéo léo và sáng tạo. Qua các giáo cụ trực quan này, chúng tôi cũng mong muốn giúp trẻ nhận biết thế giới muôn màu, đa sắc trong nhà trường.

5.jpg
Bên cạnh 2 mô hình bích họa bằng đá cuội, các cô giáo Trường Mầm non Hương Sen còn sáng tạo nên những bức tranh bằng đá cuội nhỏ đầy ngộ nghĩnh. Ảnh: Thanh Thoa

Là một trong những người trực tiếp “thổi hồn” vào các viên đá cuội, cô giáo Trần Thị Kim Ly chia sẻ: “Việc làm này xuất phát từ sự đam mê nghề nghiệp và tình yêu trẻ nên ai cũng tham gia nhiệt tình. Đôi khi làm còn quên ăn nhưng lại rất vui khi nhìn thấy sản phẩm được các con thích thú chơi và khám phá”.

Cũng theo cô Ly, trong quá trình thực hiện, các giáo viên gặp không ít khó khăn, đặc biệt là khâu vận chuyển nguyên liệu về trường do mỗi viên đá có trọng lượng lớn. Việc lựa chọn đá cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu; mỗi viên đá, viên sỏi đều phải được làm sạch kỹ lưỡng trước khi vẽ và tô màu. Chưa kể, quá trình hoàn thiện tác phẩm cũng mất khá nhiều thời gian.

“Việc sáng tạo trên những viên đá cuội, sỏi trở thành đồ dùng học tập đẹp mắt đã góp phần tạo dựng cảnh quan nhà trường xanh-sạch-đẹp. Không chỉ giúp trẻ cảm nhận được sự vật một cách trực quan, sinh động mà mô hình này còn giúp giáo viên thuận lợi hơn trong việc vun đắp cho các bé tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, biết nâng niu, trân trọng cái đẹp, từ đó thêm yêu quê hương, đất nước”-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Chọn ngành “hot” hay theo sở thích?

Chọn ngành “hot” hay theo sở thích?

(GLO)- Thời gian gần đây, công tác giáo dục hướng nghiệp được mọi người rất quan tâm. Việc trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp được tiến hành từ giai đoạn phổ thông. Tuy nhiên, nhiều học sinh băn khoăn trước việc chọn ngành “hot” hay theo sở thích?

Em Trần Thị Thảo luôn nỗ lực trong học tập. Ảnh: N.T

Nữ sinh khuyết tật mơ ước trở thành luật sư

(GLO)- Mất đi một chân do tai nạn giao thông nhưng nữ sinh Trần Thị Thảo (SN 2005, lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Du, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã tạo nên kỳ tích cho hành trình học tập của mình bằng sự nỗ lực vượt khó, tinh thần lạc quan và nuôi dưỡng ước mơ trở thành luật sư trong tương lai.

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.