Sau hàng loạt vụ nhầm con, nhiều bậc phụ huynh quyết mang con đi xét nghiệm. Thậm chí, nhân 'dịp' này, không ít ông bố cũng lén lút đem con mình đi 'thử' một lần. Tuy nhiên, cũng từ đây, nhiều câu chuyện bi hài xảy ra. Nhiều người mất hạnh phúc, tan nát gia đình vì xét nghiệm ADN.
Ám ảnh câu nói của vợ, bố mang con đi xét nghiệm
Câu chuyện về anh Nguyễn Đức Minh trú tại một quận nội thành ở Hà Nội được bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc trung tâm xét nghiệm ADN Hà Nội kể cho chúng tôi nghe như góp phần làm sinh động thêm cho những câu chuyện bi hài thời ADN.
Anh Minh đưa con đến trung tâm xét nghiệm ADN rồi nhắc nhở các nhân viên nói nhỏ kẻo đứa trẻ 4 tuổi rất thông minh của anh biết “bố đưa con đến xét nghiệm ADN” sẽ mách với mẹ. Đáp ứng yêu cầu của anh Minh, bà Nga ngồi trò chuyện với anh để nghe anh kể về cuộc sống của gia đình mình.
Anh Minh là người tỉnh lẻ, đang công tác cho một cơ quan nhà nước. Vợ anh là gái Hà Nội. Ai cũng bảo anh “chuột sa chĩnh gạo” khi cưới được vợ đã đẹp lại giàu. Sau đám cưới, anh vay mượn tiền bố mẹ ở quê, bạn bè bù vào số tiền hồi môn của vợ để mua một căn nhà. Từ ngày có nhà mới, vợ anh nghỉ hẳn việc ở cơ quan để chăm con dù có mẹ chồng ở quê lên giúp.
Cậy thế, vợ anh coi mẹ chồng như osin, không bao giờ nói chuyện. Đã vậy, vợ anh còn nghiện lô đề. Cô biến nhà thành một nơi tụ tập của đám bạn bè đề đóm. Hàng ngày, cứ đến giờ thông báo kết quả xổ số nhà anh như có hội. Điều anh buồn nhất là đứa con 4 tuổi của anh thuộc lòng các giải. Cứ mở miệng ra nó lại nói đến xổ số.
Thằng bé thường bảo “khi nào con lớn, con trúng số sẽ mua cho bố ô tô...”. Đến cơ quan anh chơi, thấy quyển lịch với những con số, bé cũng hỏi “bố ơi ở đây cũng có xổ sổ à bố. Giống nhà mình quá” Lúc đó, anh ngượng chín mặt nhưng rồi cười gượng giải thích với đồng nghiệp “Mẹ cháu thích trò chơi xổ số”. Anh khuyên rồi dẫn tới cãi nhau với vợ: “Em định biến nhà này thành tụ điểm lô đề à, phụ nữ mà không chịu làm cứ hi vọng làm giàu bằng lô đề thì chỉ ra đê mà ở”. Sau khi tranh cãi nhiều ngày cuối cùng vợ anh đã chấp nhận di chuyển "cơ quan” ra khỏi nhà anh.
Những ông bố cũng lén lút đem con mình đi xét nghiệm ADN. Ảnh minh họa |
Điều anh lo lắng nhất là đứa con trai suốt ngày mở miệng ra cũng nói đến lô đề. Hôm nào anh về con cũng khoe: “Hôm nay mẹ trúng số, chú C. (bạn lô đề với vợ anh) ôm chặt mẹ nói chúc mừng người đẹp”.
Có hôm con anh về nhà kể “Bố ơi, hôm nay mẹ bảo với chú C. là chúng nó đòi em dữ quá. Chú bảo mẹ yên tâm rồi họ lại lên xe đi rồi”. Nhìn đồng hồ đã quá 8h tối mà vợ vẫn chưa về ăn cơm, anh thở dài ngao ngán về cô vợ thành phố.
Đêm hôm đó, quá bực, anh Minh chờ vợ về nhà rồi nói chuyện. Vợ anh về nồng nặc rượu, nằm phượt ra giường kêu mệt. Anh dựng vợ dậy rồi nói chuyện... “Cô vừa phải thôi, cô lô đề thì cũng đứng làm ảnh hưởng tới tương lai của con mình chứ. Cô xem con trai cô mở miệng ra là lô đề” Vợ anh bật dậy cãi lại: “Tôi đánh lô đề bằng tiền của tôi, tôi không lấy tiền của anh. Anh tưởng làm việc ở nhà nước như anh mà sang à. Tôi không ở với anh nữa”. Nói rồi cô vợ ngồi dậy gấp quần áo vào vali và bế theo đứa con. Mẹ anh Minh từ bếp chạy lại ôm chặt lấy cháu vì sợ mất.
Nhưng vợ anh đã lớn giọng “Nó là con của riêng tôi, không phải con của anh, anh đừng có mơ mà giữ con tôi lại”.
Trước câu nói của vợ, anh Minh thực sự đã sốc và không nói được gì. Hôm đó, mẹ anh giữ cháu lại. Vợ anh tức giận bỏ nhà đi nhưng được hai hôm cô ta nhớ con lại quay về. Nhưng lần này, anh Minh ám ảnh về câu nói của vợ. Anh bí mật bế con đến trung tâm để tìm hiểu xem đứa bé đích thực là con anh hay con người khác. Trong cuộc sống của anh luôn có hình ảnh của “chú C.”. Thi thoảng con anh lại khoe chú C. mua ô tô, mua máy bay rồi bim bim cho con. Trong lòng anh chột dạ, phải chăng đây không phải con mình?
Một tuần sau có kết quả xét nghiệm ADN, anh Minh nhận kết quả và rưng rưng khóc. Anh khóc vì đứa trẻ là con của anh thực sự. Nó thông minh và lém lỉnh, nó là tất cả đối với anh và đúng là tài sản vô giá của anh. Về nhà, anh thuyết phục vợ từ bỏ con đường lô đề. Anh chấp nhận lui một bước để vợ anh có thể quên đi những con số kia. Anh nhờ người giới thiệu việc làm cho vợ. Công việc văn phòng nhàn hạ, lương chỉ có 4 triệu đồng.
Sợ vợ bỏ công việc, anh Minh lại gửi tiền cho kế toán nhờ trả lương vợ 8 triệu đồng để chị ham làm việc hơn. Một năm qua, công việc giúp vợ “hoàn lương” của anh Minh cũng chẳng dễ dàng tý nào. Nhưng anh cảm thấy yên tâm hơn vì tương lai con trai anh sẽ không còn dựa vào xổ số.
Dứt tình phụ tử
Nhiều chuyên gia cho rằng, một người bình thường – có nghĩa là không ghen tuông, nghĩ quẩn thì sẽ không mang đứa con có trong thời kì hôn nhân của mình đi xét nghiệm ADN. Trước đây có một thống kê về việc xét nghiệm ADN làm hoang mang cả xã hội. Theo đó, thống kê cho thấy khoảng 1/3 đàn ông đang nuôi con của người khác. Ban đầu đọc những con số ấy PV cảm giật mình. Sau này tĩnh lại tôi hiểu rằng, 1/3 là con số xét trên tổng số đàn ông nghi ngờ vợ mình nuôi con của người khác mang đi xét nghiệm ADN chứ con số 1/3 không phải trên tổng thể đàn ông của toàn xã hội kia.
Xét nghiệm ADN là cách để xem xét khả năng về mối quan hệ huyết thống giữa con người với nhau. Về lý mà nói, nó là biện pháp hoàn toàn lý trí. Bởi dựa trên khoa học, nó đưa ra kết luận về một mối quan hệ. Thế nhưng xét nghiệm ADN ngoài việc là bằng chứng rõ ràng nhất về một mối quan hệ nó sẽ mang đến hệ lụy gì? Nếu một gia đình đang yên ổn, bình thường lại mang con mình đi xét nghiệm ADN thì có lẽ là... họa. Có lẽ họ vừa thiếu tình lại đang thừa tiền. Những người mang con mình đi xét nghiệm ADN có thể là những người đã và đang phải sống trong một mối lo lắng suốt một thời gian dài. Cụ thể là anh bạn tôi, anh cao to, đen, mắt hai mí (vợ anh cũng vậy) thế nhưng con anh ấy đẻ ra lại trắng, mắt một mí. Có nhìn thế nào anh ấy cũng không thấy con giống mình...
Anh quyết định giấu vợ mang tóc của con đi xét nghiệm ADN. Khổ thân đứa con bị bố nghi ngờ... vì sau đó kết quả ADN cho thấy họ là bố con. Trước đây, dư luận từng xôn xao trước chia sẻ của một phụ nữ trên mạng face- book. Được biết, người phụ nữ này và chồng "ăn cơm trước kẻng trước hôn nhân". Thế nhưng có tính thế nào thì tuổi thai và lần quan hệ giữa hai người cũng không khớp nhau. Anh chồng có băn khoăn hỏi vợ về chuyện đó. Chị không thể lý giải vì việc tính tuổi thai rất phức tạp, ở mỗi nơi bác sĩ bảo một kiểu. Thế là người phụ nữ khuyến khích anh mang con đi xét nghiệm ADN với một điều kiện: Sau khi xét nghiệm, nếu kết quả con và anh đúng là cùng huyết thống hoặc không phải thì anh chị cũng sẽ ly hôn.
Anh có trách nhiệm phụ cấp nuôi con hàng tháng nhưng không được sống với con. Bởi lẽ, hôn nhân của hai người không dựa trên niềm tin. Việc xét nghiệm ADN dù kết quả thế nào thì không chỉ khổ người lớn mà còn khổ cả con trẻ. Thứ nhất, một đứa trẻ sống trong một gia đình luôn có những hoài nghi sẽ không được hưởng hạnh phúc và sự quan tâm đầy đủ. Thứ hai, một đứa trẻ vẫn gọi một người đàn ông là cha rồi yêu thương người đàn ông đó khi biết chuyện người đó không phải là cha mình sẽ đau khổ biết chừng nào. Trước đây, ở khu nhà của PV cũng có câu chuyện đau lòng. Chị A và anh B kết hôn đã lâu mà chưa có con. Anh không có khả năng có con là điều chỉ anh và chị biết.Vậy mà bất ngờ sau đó anh chị có 2 đứa con liên tiếp. Anh yêu thương 2 đứa con như báu vật.
Sau này hai vợ chồng ghen tuông lẫn nhau, anh B có lỗi trước nhưng vì trong cãi cọ nóng giận chị A đánh chồng đến tử vong. Tại phiên tòa, luật sư của anh B đã mang xét nghiệm ADN đến. Kết quả cho thấy cả hai đứa trẻ trong cuộc hôn nhân của A và B đều không phải con B. Điều đó để chứng minh lỗi của chị A là cố ý. A phải phạm tội giết người chứ không chỉ đơn giản là cố ý gây thương tích. Người ta thấy tội quá, gia đình nội vừa mất B lại mất luôn cả 2 đứa cháu. Điều đau đớn hơn là sau phiên tòa A phải nhận mức tù chung thân, hai đứa con trẻ rơi vào cảnh, cha mất, mẹ đi tù và họ hàng không cưu mang. Thế mới nói ADN là kết quả của công nghệ hiện đại nhưng lại mang đến toàn những điều nghiệt ngã.
PV (Hôn nhân & Pháp luật)