Bệnh bạch hầu sẽ không bùng phát thành dịch lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lo sợ trước diễn biến của dịch bệnh bạch hầu, nhiều người dân tỉnh Gia Lai đổ xô đi tiêm vắc xin phòng bệnh nên gây ra tình trạng quá tải. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề tiêm chủng nói riêng và công tác phòng-chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh nói chung.
* P.V: Diễn biến của dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh hiện đang rất phức tạp. Liệu dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát và lan rộng không, thưa ông?
- Ông ĐINH HÀ NAM: Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch. Đây là một bệnh nhiễm trùng-nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium Diphtheriae (còn có tên là trực khuẩn Klebs-Loeffler) gây nên. Đường lây chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp từ mũi họng của bệnh nhân. Tổn thương của bệnh là viêm, loét ở vùng mũi, họng, thanh quản… với những màng giả mạc kèm theo những biểu hiện nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch…
Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính, dân tộc đều có thể mắc bệnh bạch hầu. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh là tiêm vắc xin để tạo kháng thể kháng độc tố bạch hầu. Hiện nước ta có kháng sinh đặc hiệu điều trị bệnh bạch hầu, người dân không nên quá lo lắng, hoang mang.
Tại Gia Lai, sau gần 10 năm không phát hiện ca bệnh bạch hầu thì đến năm 2013, bệnh xuất hiện tại huyện Kbang và rải rác tại một số huyện. Từ đầu tháng 7-2020, bệnh diễn biến phức tạp với số ca dương tính với bệnh bạch hầu tính đến ngày 19-7 là 24 ca tại 3 xã: Hải Yang, Đak Sơ Mei, Hnol (huyện Đak Đoa) và tại xã Ia O (huyện Ia Grai), trong đó có 1 ca tử vong tại xã Hải Yang.  
Sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, ngành Y tế đã nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với các địa phương khoanh vùng, dập dịch, triển khai các biện pháp phòng-chống theo quy định. Đến thời điểm này, tỉnh đang kiểm soát tốt tình hình với mục tiêu không để bệnh lây lan thêm. Dự kiến thời gian tới, bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện rải rác nhưng không bùng phát thành dịch lớn vì chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai từ năm 1985 đến nay và tiếp tục tiêm vắc xin bổ sung nên phần lớn cộng đồng đã có miễn dịch chủ động với bệnh.
Khám sàng lọc và cấp thuốc điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho người dân làng O (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: NHƯ NGUYỆN
Khám sàng lọc bệnh bạch hầu cho người dân làng O (xã Ia O, huyện Ia Grai). Ảnh: Như Nguyện
*P.V: Lo lắng với diễn biến của bệnh bạch hầu, nhiều người dân trong tỉnh đổ xô đi tiêm vắc xin phòng bệnh nên dẫn đến quá tải tại một số điểm tiêm chủng, ông đánh giá thế nào về việc này?
- Ông ĐINH HÀ NAM: Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh nên người dân cần chủ động tiêm phòng để tốt cho sức khỏe và chọn lựa các điểm tiêm đã được cấp phép theo quy định, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tuy nhiên, nếu người dân đổ xô đi tiêm vắc xin cùng lúc sẽ gây quá tải tại các điểm tiêm chủng, đồng thời gây mất an toàn tiêm chủng. Hiện nay, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng-chống dịch bạch hầu trên diện rộng tại 4 tỉnh Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum và Đak Nông. Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam. Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh được tiêm vắc xin chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn và hoàn toàn được miễn phí.
Người dân nếu không có điều kiện tiêm dịch vụ thì có thể chờ để tiêm miễn phí khi chiến dịch triển khai. Ngành Y tế đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chiến dịch trong thời gian sớm nhất.
* P.V: Hiện tại vẫn chưa phát hiện được nguồn lây bệnh bạch hầu tại tỉnh. Vậy, việc tìm nguồn lây bệnh có quan trọng trong công tác phòng-chống dịch không, thưa ông?
 - Ông ĐINH HÀ NAM: Tôi nghĩ việc điều tra dịch tễ nguồn lây để khoanh vùng dập dịch là tốt nhưng không phải quá chú tâm vì có trường hợp người lành mang trùng; nhiệm vụ khoanh vùng dập dịch và phòng-chống dịch là quan trọng, cần thiết nhất. Khi phát hiện ổ dịch phải ngay lập tức khoanh vùng dập dịch, khám sàng lọc, cấp thuốc điều trị dự phòng và xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân để phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Tiếp đến là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin và cuối cùng là tập trung công tác điều trị tại các bệnh viện, không để xảy ra tử vong. 
Người dân cần chủ động đến cơ sở y tế khám sàng lọc bệnh bạch hầu khi thấy các triệu chứng lâm sàng như: viêm họng, mũi, thanh quản; họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch… để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.
*P.V: Xin cảm ơn ông!
 NHƯ NGUYỆN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm