Sau hơn 2 ngày làm việc, chiều 13-10, phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.
Trước đó, tại phiên thảo luận sáng 13-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc lùi thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Song đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá nghiêm túc, xác định nguyên nhân chậm trễ, cung cấp đầy đủ thông tin để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.
Phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Theo yêu cầu của Nghị quyết 88, Quốc hội khóa XIII, từ năm học tới bắt đầu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Cụ thể, năm học 2018-2019 sẽ áp dụng đồng thời với 3 lớp đầu cấp là lớp 1, lớp 6, lớp 10. Tuy nhiên, căn cứ tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và chuẩn bị điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông đến tháng 9 năm nay, Chính phủ thấy rằng, nếu triển khai theo lộ trình đó thì chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cũng như điều kiện để thực hiện chưa bảo đảm.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị cho phép giãn tiến độ 1 năm và áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học. Đối với cấp tiểu học từ năm học 2019-2020, cấp trung học cơ sở từ năm học 2020-2021 và cấp trung học phổ thông từ năm học 2021-2022. Như vậy so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ chậm lại từ 1 đến 3 năm so với yêu cầu.
Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lùi thời điểm áp dụng chương trình mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ cần đưa ra phương án sẽ làm gì nếu Quốc hội đồng ý cho lùi thời điểm áp dụng, tránh tình trạng năm sau lại tiếp tục xin lùi.
“Lùi như vậy thì có thời gian để chuẩn bị kĩ hơn, để hội nhập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các điều kiện kèm theo cũng đảm bảo đồng bộ. Nhưng cũng sẽ có khó khăn là trong quá trình lùi này thì tiền sẽ tăng lên, thứ hai là tác động của Trung ương 6 sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế sẽ bị tác động, làm cho việc này khó khăn trong thời gian tới. Và cuối cùng, nếu Quốc hội cho điều chỉnh thì Chính phủ sẽ làm gì để thực hiện cái Quốc hội cho điều chỉnh này, chứ không năm nữa lại bảo khó lắm, lại điều chỉnh tiếp là không được” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì băn khoăn liệu đến năm 2019 có đảm bảo sẽ triển khai áp dụng được chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới không khi mà còn rất nhiều công việc cần phải làm, nhất là chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
“Khi đụng đến các vấn đề giáo dục thì ý kiến sẽ rất nhiều vì đụng đến mọi người, mọi nhà. Chúng tôi đề nghị hết sức cân nhắc. Không thể bây giờ lùi xong sau đó lại làm một nghị quyết lại lùi tiếp nữa. Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn với Quốc hội và đảm bảo xem đến năm 2019 thì liệu áp dụng có đảm bảo được không, có đảm bảo chất lượng không?” – bà Nga nói.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện, xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ so với kế hoạch ban đầu; tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại, thời gian cần thiết để thực hiện cũng như những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định.
Minh Châm/VOV