Bàu Cạn: Vùng đất anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người Pháp trong cuộc viễn chinh khai thác thuộc địa đã chọn Bàu Cạn (nay là xã Bàu Cạn- huyện Chư Prông), mộ phu lập đồn điền chè (1923). Đó cũng chính là cơn cớ khởi phát nhiều cuộc đấu tranh sôi nổi, bền bỉ trong công nhân rồi lan rộng đến các tầng lớp nhân dân.

Giữa những ngày cả nước rộn ràng trong không khí của mùa Thu tháng Tám, chúng tôi về Bàu Cạn tìm gặp những nhân chứng từng tham gia phong trào đấu tranh và sống qua thời khắc huy hoàng ấy của lịch sử. Tiếc là nhiều người trong số đó nay đã không còn, có người đã đi nơi khác. Nhưng một tình cờ may mắn đã đến với chúng tôi…

Từ những con người bình dị

Giữa những luống chè xanh trải dài tít tắp, dáng bà Sáu Huỳnh gần như cô độc. Nếu không có chuyển động của đôi tay đang hái chè hẳn chúng tôi không nhìn thấy bà. Chiếc gùi đầy ắp chè, trĩu xuống trên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ khiến tôi có cảm giác lưng bà sắp sụm xuống. Nhưng bà vẫn nhanh nhẹn di chuyển giữa các cây chè, thoăn thoắt hái những búp non ném liên tục vào gùi. Bà làm tôi kính trọng vô cùng từ hình ảnh lao động hăng say ấy.

Ở tuổi 70, bà Sáu Huỳnh vẫn hăng say trên vườn chè mỗi ngày. Ảnh: H.N
Ở tuổi 70, bà Sáu Huỳnh vẫn hăng say trên vườn chè mỗi ngày. Ảnh: H.N
Đến nay, bà đã gắn bó với cây chè đúng 55 năm. Suốt thời kỳ tham gia đấu tranh cách mạng sôi nổi nhất bà cũng chưa một ngày rời gốc chè. Bà nói rằng, dưới mỗi gốc chè trên mảnh đất này là một câu chuyện về truyền thống đấu tranh kiên trung của phong trào công- nông, là tình cảm gắn bó ruột thịt Kinh- Thượng, trọn đời bà không quên. “15 tuổi tôi đã theo chị gái vào làm công nhân đồn điền chè Bàu Cạn (1960) vì nhỏ con quá nên luôn phải mặc áo rộng để qua mắt ông chủ đồn điền người Pháp. Cách mạng Tháng Tám thành công là sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào công nhân, buộc bọn chủ đồn điền quan tâm hơn đến đời sống của chúng tôi”- bà Huỳnh nhớ lại.


Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bàu Cạn và xã Gào có vị trí chiến lược quan trọng. Nằm ở địa bàn xung yếu vùng ven thị, nơi đây có đồn điền chè với lực lượng công nhân đông đảo có tinh thần yêu nước (có thời điểm số lượng công nhân lên đến hơn 3.000 người, gấp đôi dân số sống trong thị xã Pleiku lúc bấy giờ). Cách mạng đã dựa vào Bàu Cạn như bàn đạp vững chắc tiến vào nội thị. Lực lượng hoạt động bí mật trà trộn vào đồn điền dưới vỏ bọc là công nhân. Bà Huỳnh là một mắt xích trong phong trào đấu tranh đó. “Chúng tôi nhận nhiệm vụ cấp trên giao qua những mẩu giấy được “người đưa tin” kín đáo bỏ vào gùi chè sau mỗi buổi lao động”-bà nói. Bà kể tiếp: “Ngày xưa ở đồi chè này có một gốc cây, tôi thường mang thuốc hoặc vật dụng thiết yếu cho bộ đội giấu vào đó, sau đó có người đến nhận. Tôi nhỏ con nên giấu thuốc tây vào người ít bị phát hiện. Nếu “động”, người liên lạc với tôi lập tức được điều đi chỗ khác, còn tôi cũng chuyển ngay địa điểm vì chỉ cần sơ suất nhỏ cũng khiến tôi mất việc, nguy hiểm hơn là đồng chí của mình sẽ bị lộ”.

Bà Huỳnh nhớ lại: “Một buổi chiều mùa khô năm 1962, sau khi hái chè về, tôi thay đồ đẹp để “đi chơi” (được hiểu là đi làm nhiệm vụ). Cùng đi có một người bạn. Khi gần đến địa điểm đã hẹn, bạn tôi đi trước và vấp phải mìn của Ngụy, đôi chân nó bị thương nặng, ba ngày sau thì mất do vết thương nhiễm trùng. Tôi đau đớn vô cùng nhưng phải cố gắng đi làm bình thường cho chúng khỏi nghi ngờ”. Bà cho rằng, “công cụ” hỗ trợ đắc lực trong nhiệm vụ cách mạng giao chính là tay nghề hái chè rất cừ khôi của bà.

Một nữ công nhân trẻ, làm việc hăng say, luôn hoàn thành xuất sắc công việc và làm hài lòng cả những ông chủ người Pháp khó tính đã khiến bà qua mắt chúng dễ dàng hơn. Nhưng không phải không có những lần gặp sự cố. Bà kể: “Có lần chúng nghi ngờ gọi tôi lên tra hỏi, tôi nói là tôi yêu công việc, yêu cây chè, tôi chỉ mong được lao động ở đồn điền để nuôi con chứ không biết cách mạng là gì”. Nhưng bà đích thị là “cách mạng nòi”. Cha bà là một du kích trong kháng chiến chống Pháp ở vùng núi Bình Định, bị địch bắt tra tấn dã man nên bệnh tật chết. Em trai bà cũng là liệt sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ...

Đất lành của hôm nay

Nhiều số phận nhỏ bé, gan dạ như bà Huỳnh đã góp phần làm nên truyền thống đấu tranh bất khuất cho vùng đất anh hùng Bàu Cạn. Cùng với xã Gào, Bàu Cạn được xem là “cái nôi” phong trào cách mạng của tỉnh. Từ những năm 1930-1940, nơi đây đã thành lập được những tổ chức cách mạng tiên phong như Công hội đỏ, Cứu tế đỏ và có nhiều hoạt động đấu tranh sôi nổi, khuấy động tinh thần yêu nước của nhân dân lao động. Dù chưa được công nhận xã anh hùng như xã Gào nhưng truyền thống cách mạng chính là “bệ phóng” để thế hệ trẻ của xã tiếp tục sự nghiệp cách mạng trên bình diện khác.

Hiện 90% cán bộ xã là những người trẻ tuổi, có trình độ. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thế Phương còn rất trẻ, anh cho biết: “Chúng tôi luôn ý thức rằng đây là vùng đất cách mạng nên cố gắng để phát huy thành quả cách mạng ấy. Toàn xã hiện có trên 50% số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, còn khoảng trên 100 số hộ nghèo/1.329 hộ toàn xã. Sắp tới huyện sẽ quy hoạch một khu công nghiệp trên đồi Pháo rộng trên 10 ha, người dân của xã sẽ có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập”.

Cây chè vẫn là cây trồng chủ lực giúp đa số người dân ổn định cuộc sống sau ngày giải phóng. Nhưng cùng với sự năng động của chính quyền địa phương và của người dân, vùng đất vốn chỉ được biết đến với sản phẩm chè nổi tiếng này có thêm các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: Cà phê, tiêu, cao su. Sự cần cù của người dân thì có thừa. Ngay cả với những người như bà Huỳnh, lao động vẫn là nguồn vui sống của người phụ nữ đã ngấp nghé 70.

Bàu Cạn không chỉ có truyền thống cách mạng, không chỉ có những con người kiên cường như bà Nguyễn Thị Huỳnh, vùng đất này còn là minh chứng cho tình đoàn kết Kinh-Thượng xuyên suốt từ chiều dài lịch sử đấu tranh cho tới hôm nay. Những cái tên như thôn Hòa Bình, Bình An, Đoàn Kết… do dân đặt có lẽ thêm một sự khẳng định về tình cảm gắn bó này. Tất cả những điều kể trên hẳn là một sự hội tụ, đủ để Bàu Cạn tiếp tục phát huy nội lực của một vùng đất anh hùng.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm